Hậu Giang: Phát triển đô thị phải lấy con người làm trung tâm
6 tháng đầu năm 2020, không riêng Hậu Giang mà cả nước vừa phải gồng mình chống đại dịch Covid-19 vừa phải ổn định kinh tế xã hội. Mặc dù là tỉnh có dân số ít nhất, diện tích tự nhiên gần như thấp nhất ĐBSCL nhưng trong nhưng tháng khó khăn vừa qua Hậu Giang lại là tỉnh có sức bật đáng kinh ngạc.
Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị gặp gỡ ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chia sẻ xung quanh vần đề này.
Ông Lê Tiến Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
Phóng viên: Những ngày vừa qua, mặc dù chung tay cùng cả nước chống dịch Covid-19 nhưng tỉnh Hậu Giang vẫn không ngừng chăm lo phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Ngoài giữ vững trận địa nông nghiệp, tỉnh cũng tích cực thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và mời gọi đầu tư. Đặc biệt, ngày 20/05/2020 vừa qua, Hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị” được tổ chức thành công, là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động thúc đẩy xây dựng tỉnh nhà. Xin ông cho biết, diện mạo “Hậu Giang xanh” đã định hình như thế nào?
Ông Lê Tiến Châu: Trong thời gian qua dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về nhiều mặt. Dù chung tay cùng cả nước chống dịch Covid-19; Tuy nhiên, tỉnh Hậu Giang vẫn không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ngoài giữ vững trận địa nông nghiệp, tỉnh cũng tích cực thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, ngày 20/5/2020 vừa qua, Hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị” được tổ chức thành công, là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động thúc đẩy xây dựng tỉnh nhà.
Để có sự cân bằng giữa phát triển đô thị với bảo vệ môi trường bền vững, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 07/6/2013 về chỉnh trang đô thị theo hướng đô thị xanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, tỉnh cũng đang tích cực tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh theo nội dụng Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua triển khai thực hiện theo Kế hoạch đã thu được một số kết quả nhất định, các địa phương xây dựng nhiều tuyến phố văn minh và tuyến đường đẹp, trồng nhiều cây xanh trên các trục đường trong đô thị. Kịp thời thu gom xử lý rác thải, thông thoát cống rãnh, duy tu sửa chữa các tuyến đường, hệ thống chiếu sáng, cáp quang, cải tạo hồ, kênh, mương, quản lý tốt trật tự xây dựng đô thị, giải tỏa hành lang lộ giới nhiều tuyến đường…
Hiện nay, mật độ cây xanh ở các tuyến lộ giao thông (dọc các tuyến đường trong nội ô đô thị được trồng cây xanh đạt 78,3% so với tổng chiều dài tuyến đường; đối với tuyến ngoại ô đô thị và nông thôn có hàng rào bằng cây xanh, trồng cây xanh đạt 76,3%). Các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đều đảm bảo tỷ lệ cây xanh theo quy định.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 31/5/2013 để tổ chức quản lý cây xanh, bao gồm: trồng, chăm sóc, ươm cây, khai thác, sử dụng cây xanh, thống kê, bảo tồn và chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị và cây xanh trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh.
Quan điểm của tỉnh là phát triển đô thị phải lấy con người làm trung tâm, nhằm mục đích cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Giữ gìn và phát huy các giá trị con người, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm và chăm lo sức khoẻ cho người dân. Đặc biệt, phát triển đô thị phải đồng thời giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, quan tâm giải quyết những vấn đề thiết yếu dân sinh cho người dân, xây dựng đô thị văn minh tiến tới xây dựng tỉnh Hậu Giang ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.
Để xây dựng một “Hậu Giang xanh”, với những đô thị xanh, đáng sống mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
- Tiếp tục rà soát lại các đồ án quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình phát triển đô thị, các hồ sơ khu vực phát triển đô thị. Theo đó, các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái. Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế - xã hội, sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng.
- Các đồ án quy hoạch đô thị phải theo nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững cảnh quan đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh, mặt nước và đảm bảo các khu chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường.
- Việc phát triển xây dựng đô thị xanh, bền vững không phải chỉ chú trọng đến hệ thống cây xanh đô thị hoặc không gian xanh là đủ, mà còn phải lồng ghép phát triển kết hợp nhiều tiêu chí xanh như: xây dựng hệ thống giao thông thân thiện với môi trường, phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng, sử dụng các phương tiện giao thông thông minh; xây dựng hệ thống các trạm kiểm tra nguồn thải của phương tiện giao thông và trạm bảo dưỡng sửa chữa xe…
- Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị nhằm kết nối hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư đô thị thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, du lịch sinh thái nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Phóng viên: Học sinh đã trở lại trường, nông dân đang vào vụ Hè - Thu, siêu thị, chợ đã sôi động trở lại... Tất cả đang cho thấy một Hậu Giang mạnh mẽ đầy sức sống sau đại dịch Covid-19 và bước vào tăng trưởng nhanh sau 17 năm chia tách tỉnh. Ông có thể chia sẻ gì đối với những mục tiêu đầu tư của tỉnh cho các nhà đầu tư đang hướng về Hậu Giang? Hạng mục đầu tư? Chính sách ưu đãi?...
Ông Lê Tiến Châu: Theo kết quả báo cáo chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2019, tỉnh Hậu Giang đứng vị trí thứ 42/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 02 bậc so với năm 2018, đứng vị trí thứ 8/13 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong nhóm hạng khá.
Hiện nay, Hậu Giang có 16 đô thị, gồm một đô thị loại II, hai đô thị loại III và 13 đô thị loại V. Theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh Hậu Giang, dự kiến đến năm 2030, sẽ có 19 đô thị. Thời gian qua, Hậu Giang đã tăng cường công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào Hậu Giang, nhất là trong lĩnh vực nhà ở, phát triển đô thị. Đến nay, tỉnh đã lựa chọn và công nhận chủ đầu tư đối với 19 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại; cho chủ trương nghiên cứu, tiếp cận lập quy hoạch chi tiết để đề xuất đầu tư đối với 62 dự án. Bên cạnh đó, Tỉnh đã ban hành danh mục 16 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh (chủ yếu là dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và đầu tư kinh doanh hạ tầng trong các cụm công nghiệp) để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cho tỉnh nhà, nhất là dự án Trang trại nông nghiệp phức hợp hữu cơ khi được đầu tư sẽ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế cung cấp cho thị trường.
Tỉnh Hậu Giang là địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó toàn bộ các huyện: Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; riêng thành phố Vị Thanh là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ ở mức cao nhất.
Về lĩnh vực nông nghiệp: nhằm cụ thể hóa các quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định: số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018, số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2019 quy định chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và đang nghiên cứu ban hành định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Về lĩnh vực du lịch: Với mục tiêu thúc đẩy đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư kinh doanh phát triển du lịch; HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2024; nhằm sớm triển khai các chính sách đi vào thực tế, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 715/KH-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2020 thực hiện quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2024; đồng thời, tỉnh Hậu Giang đã thành lập Tổ lập Đề án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng để lập Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi Đề án được phê duyệt sẽ tạo điều kiện để kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm thu hút khách tham quan du lịch vào tỉnh nhà.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Hồng Ân (thực hiện)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã ký ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2025.