Hậu Giang: Phát triển văn hóa, du lịch phải lấy người dân địa phương làm trung tâm

Địa phương
08:46 AM 09/01/2025

Năm 2024, Hậu Giang đón 583.000 khách, gồm 33.000 khách quốc tế, thu 264 tỉ đồng. Tỉnh định hướng phát triển du lịch cộng đồng bền vững đến 2030, lấy người dân làm trọng tâm. Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL, chia sẻ thêm về kế hoạch này.

Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa trong năm 2025 là xây dựng con người Hậu Giang thời kỳ mới với những giá trị chuẩn mực phù hợp giá trị gia đình, văn hóa, dân tộc… với các đặc trưng: Yêu nước, Đoàn kết, Nghĩa tình, Năng động, Bản lĩnh, Trí tuệ. Cụ thể xây dựng như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Ngay từ 2 năm trước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Hàng năm, ngành văn hóa đều sơ kết và đề ra nhiệm vụ cho năm tiếp theo.

Hậu Giang: Phát triển văn hóa, du lịch phải lấy người dân địa phương làm trung tâm- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hậu Giang.

Trong năm 2024, chúng tôi đã tổ chức Hội thi Nghệ thuật quần chúng tỉnh Hậu Giang năm 2024; tổ chức các hoạt động "Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Giáp Thìn 2024"; tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 -22/12/2024); thực hiện tăng cường kiểm kê, ghi danh các di sản văn hóa; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; triển khai thực hiện Kế hoạch số 239/KH-UBND của UBND tỉnh Hậu Giang về thực hiện Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang…

Theo kế hoạch, trong năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng và triển khai bộ tiêu chí về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Hậu Giang theo các tiêu chí của quốc gia. Có 80% hộ gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, hệ giá trị gia đình truyền thống và hiện đại, phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. 

Có 80% học sinh trong các trường học được giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của đất nước con người Việt Nam; giáo dục về truyền thống lịch sử, nếp sống văn minh, ứng xử có văn hóa mang đặc trưng văn hóa, con người Hậu Giang. Có trên 80% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao. 

Đảm bảo di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh được tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị; có từ 50% di tích lịch sử, văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh và di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh xuống cấp được tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Đảm bảo ít nhất từ 70% người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương...

Hậu Giang: Phát triển văn hóa, du lịch phải lấy người dân địa phương làm trung tâm- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang và ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh trao giấy khen cho các tiết mục xuất sắc.

Phóng viên: Việc xây dựng con người Hậu Giang với những giá trị chuẩn mực cũng chính là xây dựng nền móng vững chắc cho ngành du lịch địa phương, vì theo Đề án phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) do Sở VH-TT-DL triển khai, người dân địa phương chính là "nhân vật" chính trong hoạt động này. Ông có thể cho biết rõ hơn thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Theo Đề án phát triển du lịch cộng đồng của chúng tôi, đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Hậu Giang sẽ trở thành điểm đến mới về DLCĐ trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi nói về DLCĐ tại Hậu Giang, du khách sẽ ghi nhớ về những cộng đồng dân cư hào sảng, hồn hậu, hiếu khách; về các trải nghiệm đậm chất văn hóa Nam Bộ; sự phong phú ẩm thực; sự kết nối, hòa hợp với thiên nhiên, sông nước; các hoạt động và sản vật nông nghiệp. Các giá trị cốt lõi đó sẽ do DLCĐ Hậu Giang mang tới với du khách trong và ngoài nước.

DLCĐ tại Hậu Giang được phát triển bởi người dân và phục vụ lợi ích của người dân địa phương. Ngoài việc khắc phục những nhược điểm của người dân như: tính tự phát, thiếu kỹ năng kinh doanh, sản phẩm kém hấp dẫn…ngành du lịch sẽ dựa trên các thế mạnh đặc trưng của tỉnh, cùng với các xu hướng thị trường hiện tại, Hậu Giang có thể định hướng các nhóm sản phẩm du lịch phù hợp, gắn với cộng đồng: Sản phẩm DLCĐ gắn với các công trình di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng nổi bật (Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Di tích lịch sử Chiến thắng Vàm Cái Sình, Di tích lịch sử Chiến Thắng Tầm Vu, Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Cây Lộc Vừng Đình thần Phụng Hiệp, Chùa Vĩnh Hiệp, Già Lam Cổ Tự….). Sản phẩm DLCĐ gắn với sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới, làng nghề truyền thống (Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, kênh xáng Xà No…), sản phẩm DLCĐ gắn với ẩm thực đặc trưng (mãng cầu xiêm huyện Long Mỹ, bánh xèo ngũ sắc, chè bưởi, bánh dân gian, các món ăn chay… ở Long Trị…).

Về không gian phát triển du lịch, sẽ phân cụm du lịch trên 2 yếu tố chính là thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý và tương đồng về tài nguyên và sản phẩm du lịch, cụ thể chia thành 4 cụm như sau: Cụm du lịch thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, cụm du lịch thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ, cụm du lịch huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy và cụm du lịch huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A.

Hậu Giang: Phát triển văn hóa, du lịch phải lấy người dân địa phương làm trung tâm- Ảnh 3.

Tiếp tục tổ chức Giải Marathon quốc tế tỉnh Hậu Giang năm 2025 và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân.

Phóng viên: Phong trào "Mỗi người dân Hậu Giang là một đại sứ du lịch" vẫn luôn là điểm sáng trong phong trào quảng bá du lịch địa phương. Chương trình này hiện đã và đang vận hành thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bảy: Điểm nhấn đặc biệt của tất cả kế hoạch du lịch của Hậu Giang là nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó "Tinh thần và thái độ phục vụ" của người Hậu Giang là trên hết. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh, phong trào "Mỗi người dân Hậu Giang là 01 đại sứ du lịch" được phát động và thực hiện thường xuyên. Các hoạt động liên kết trong phát triển du lịch được thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu, trong đó là các nội dung thuộc Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể, trong đó có Chương trình bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn năm 2024. Ngành du lịch cũng tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp và phục vụ du lịch, tập huấn nâng cao nhận thức và tầm quan trọng các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch cho các cấp chính quyền và người dân tại địa phương, tuyên truyền phát động cuộc thi viết và thi ảnh về Nét đẹp Hậu Giang năm 2024….

Hậu Giang: Phát triển văn hóa, du lịch phải lấy người dân địa phương làm trung tâm- Ảnh 4.

"Mỗi người dân Hậu Giang là một đại sứ du lịch" góp phần quảng bá du lịch địa phương.

Ngoài tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ, chúng tôi luôn chú ý đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu, hợp tác địa phương, đầu tư hạ tầng, tăng cường quản lý môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và sáng tạo; đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch quay lại.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Ân
Ý kiến của bạn