Hậu Giang: Quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% trong năm 2024

Địa phương
07:35 AM 19/01/2024

Năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn biến phức tạp, điều này gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, kéo giảm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước thực trạng này, Ban an toàn giao thông tỉnh đề ra nhiều giải pháp, quyết tâm kéo giảm từ 5 - 10% số vụ việc trong năm 2024…

Năm 2023, toàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 189 vụ tai nạn giao thông, làm chết 110 người, làm bị thương 123 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tăng 73 trường hợp (khoảng 62,9%), số người chết tăng 1 trường hợp (khoảng 0,9%), số người bị thương tăng 98 trường hợp (khoảng 392%). Trong đó, tai nạn giao thông đường thủy xảy ra 3 vụ, chết 2 người, bị thương 2 người; so với cùng kỳ năm 2022: số vụ tăng 1 trường hợp (khoảng 50%), số người chết giảm 1 trường hợp (khoảng 33,3%), số người bị thương tăng 2 trường hợp (khoảng 200%).

Một buổi ra quân tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hậu Giang

Một buổi ra quân tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hậu Giang

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ở tỉnh tăng cao là do năm qua là thời điểm tỉnh diễn ra nhiều ngày lễ, tết và nhiều sự kiện văn hoá, xã hội, thể dục thể thao quan trọng của tỉnh, lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông có thời điểm tăng đột biến, làm cho tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ có lưu lượng phương tiện lớn, tốc độ lưu thông cao là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (chiếm 64,55% trên tổng số vụ tai nạn giao thông).

Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một số người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, làn đường cho phép, phóng nhanh vượt ẩu, đi đường thiếu quan sát... còn diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh đó, số lượng phương tiện giao thông tăng cao, nhất là phương tiện xe mô tô, gắn máy. Tổng số phương tiện đăng ký trên toàn tỉnh tính đến thời điểm hiện nay là 536.217 xe, tăng 26.203 xe so với năm 2022 khiến cho tình hình trật tự an toàn giao thông thêm phức tạp, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông tăng. Công tác quản lý hành lang an toàn giao thông vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là trên các tuyến quốc lộ.

Ngoài ra, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm ở một số địa phương từng lúc, từng nơi chưa đảm bảo khép kín tuyến, địa bàn. Bởi lực lượng cảnh sát giao thông còn mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều mảng công tác nên không đủ lực lượng để bố trí tuần tra kiểm soát.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Năm An toàn giao thông 2024 do Uỷ ban ATGT Quốc gia phát động. Ban ATGT tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% trở lên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2023. Nhiệm vụ cụ thể là nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể tỉnh, địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự An toàn giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là Luật Giao thông và các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, khai thác có hiệu quả các trang mạng internet, mạng xã hội Zalo, Facebook... nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Xây dựng Kế hoạch phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá, nông sản của nhân dân, cũng như trong các dịp nghỉ lễ, tết. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự An toàn giao thông; kiểm tra, giám sát chất lượng các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy, bộ về việc chấp hành đúng quy định pháp luật; kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô thuộc diện phải lắp đặt; duy trì Trạm kiểm tra tải trọng xe 24/7; thanh tra, kiểm tra và lý nghiêm các hành vi vi phạm về xây dựng lấn chiếm hành lang An toàn giao thông, không để phát sinh đấu nối trái phép vào quốc lộ, tỉnh lộ; tăng cường quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng ô tô, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Tổ chức tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự An toàn giao thông; huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra kiểm soát; thường xuyên thay đổi phương thức tuần tra kiểm soát, bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông có mặt ở những đoạn, tuyến đường thường có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.

Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang cũng xây dựng mô hình mới và nhân rộng các mô hình có cách làm hay và hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự An toàn giao thông; thực hiện tốt công tác liên ngành lập lại trật tự An toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; kiểm tra các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông nhất là các bến đưa rước học sinh; kiên quyết đình chỉ ngay các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông hoạt động không phép hoặc không bảo đảm an toàn.

Ngân Hà
Ý kiến của bạn
Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.