Hậu Giang: “Thực hiện mục tiêu kép” trong “bão Covid-19”
Trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tỉnh Hậu Giang tiếp tục nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm 2020. Kịch bản điều hành kinh tế xã hội của chính quyền được điều chỉnh theo 2 mục tiêu kép: vừa thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống đại dịch và vừa nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội. Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã có những chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Tiến Châu – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
Phóng viên: Trong 3 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã buộc các địa phương phải chủ động đề ra nhiều giải pháp ứng phó. Riêng tại Hậu Giang, chính quyền đã và đang làm gì để đối mặt và sắp tới là “sống chung” với đại dịch, thưa ông?
Ông Lê Tiến Châu: Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên về cơ bản các hoạt động văn hoá, xã hội bị tạm dừng, tỉnh tập trung nguồn lực chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, đến nay đã đạt được kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Cụ thể, công tác phòng, chống dịch được các cấp, các ngành, các lực lượng triển khai bài bản, kịp thời, quyết liệt, theo đúng tinh thần chỉ đạo của TƯ nên đến nay, tỉnh chưa ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV2.
Công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây, các đối tượng nguy cơ bằng phương châm 4 tại chỗ với các kịch bản đáp ứng theo từng cấp độ cách ly và điều trị; đã chỉ đạo và cấp kinh phí kịp thời triển khai phòng xét nghiệm Covid-19 ngay tại tỉnh và mua sắm trang, thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch khác.
Đối với hoạt động khai báo sức khỏe tự nguyện, tỉnh đã triển khai thực hiện đạt 101,98% từ chiều 16/4/2020, dẫn đầu cả nước hoàn thành nhiệm vụ này. Công tác vận động tài trợ, tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch được thực hiện kịp thời, ý nghĩa; chế độ chính sách đối với cán bộ tham gia phòng chống dịch cũng đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo hỗ trợ.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện tốt nên đã tạo được sự thống nhất nhận thức chung, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, và đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Về kinh tế, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng 13%; thu nội địa đạt khá, đạt 25,2% dự toán. Các chủ trương, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp mà tỉnh đã triển khai thời gian qua bắt đầu cho thấy hiệu quả: Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 16% so với cùng kỳ; cấp chủ trương 04 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn 190 tỷ đồng và 05 chủ trương dự án trong khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn là 1.550 tỷ đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng vừa cấp quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Trung tâm Logistics Nông sản Xuất khẩu Hậu Giang với tổng mức đầu tư lên tới gần 1.500 tỷ đồng.
Phóng viên: Có vẻ như tình hình kinh tế xã hội khá thuận lợi khi dịch Covid-19 được chủ động khống chế. Tuy nhiên, ông có thể chia sẻ thêm những khó khăn và biện pháp khắc phục của chính quyền trong bối cảnh hiện nay?
Ông Lê Tiến Châu: Tuy công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu nhưng tỉnh đã trải qua quý I/2020 đầy khó khăn. Nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch, trong đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng âm 1,86%; giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,31% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức 9,8% của năm 2019; giá trị giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 19,2%, thấp hơn 10,5% so với cùng kỳ; lượng khách du lịch giảm 30% so với cùng kỳ;...vvv.
Hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; cuộc sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng; các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao tiếp tục tạm hoãn hoặc lùi thời gian thực hiện; học sinh các cấp phải nghỉ học.
Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, tăng so với cùng kỳ; công tác phòng cháy, chữa cháy đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ (đã xảy ra một số vụ cháy cục bộ). Trong thời gian tới đây, phương châm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là Kiểm soát dịch bệnh - Chung sống an toàn - Điều chỉnh tích cực.
Cụ thể: Các cấp, các ngành không chủ quan, lơ là mà tiếp tục tập trung cao độ thực hiện các giải pháp theo các phương án ứng phó với dịch bệnh đã đề ra. Tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh từ bên ngoài; tiếp tục rà soát, thực hiện việc khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, sàng lọc đối với các trường hợp đã nhập cảnh vào Việt Nam đến Hậu Giang hoặc người từ các tỉnh, thành có dịch trong cả nước đến địa phương để áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát phù hợp, ngăn chặn triệt để không để lây lan trong cộng đồng.
Đối với khu vực nội địa tỉnh, tùy theo diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của TƯ, BCĐ sẽ điều chỉnh linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch theo từng mức độ nghiêm ngặt đúng theo phương châm thực hiện mục tiêu kép. Tuy nhiên, đối với các khu vực tập trung đông công nhân, đông người thì tỉnh tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nên các biện pháp phòng, chống dịch sẽ lại càng phải chặt chẽ hơn nữa tại các điểm diễn ra Đại hội. Đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa, trang thiết bị y tế trong chống dịch Covid 19, tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo ổn định đời sống, sinh hoạt và an ninh xã hội
Phóng viên: Xin ông cho biết cụ thể tỉnh đã chuẩn bị những phương án nào để vừa “sống chung” với đại dịch vừa phát triển kinh tế?
Ông Lê Tiến Châu: UBND tỉnh đã xây dựng tăng trưởng để ứng phó diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các giải pháp cũng đã sẵn sàng để thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh xác định đây cũng sẽ là cơ hội vàng cho cả các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện việc “tái cấu trúc”. Trước hết là đổi mới phương pháp hoạt động truyền thống từ tiếp xúc trực tiếp với đối tác, người tiêu dùng sang giao dịch trực tuyến; đẩy mạnh việc phát triển kinh tế số để giảm chi phí mặt bằng, hàng tồn kho và tái cấu trúc lĩnh vực hoạt động sang các ngành mới ứng dụng công nghệ cao hơn.
Đối với chính quyền, đây là cơ hội cho chúng ta đổi mới phương thức làm việc thông qua ứng dụng CNTT để giảm chi phí thời gian và nhân lực; tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích và các phương thức giao tiếp trực tuyến với người dân. Xét về bình diện khu vực và cả nước, tỉnh Hậu Giang là địa phương thuộc nhóm có nguy cơ thấp, nếu tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch theo phương châm đã đề ra; đồng thời quyết tâm cao độ thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH thì đây sẽ chính là cơ hội cho chúng ta bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương trong khu vực, và cả nước.
Về chủ trương, tỉnh triển khai quyết liệt, thực chất các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đó là Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Nghị định số 41 về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất,…vvv; đồng thời, giao Sở KHĐT nghiên cứu đề xuất các giải pháp hỗ trợ của tỉnh đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hoàn thành các dự án công nghệ thông tin đã cho chủ trương năm 2020; đồng thời khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hậu Giang để trình HĐND thông qua nhằm nắm bắt cơ hội vàng về chuyển đổi kinh tế số sẽ bắt đầu trong thời gian tới đây.
Tiếp tục các giải pháp thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, phát huy nhiệm vụ của Tổ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Tổ chỉ đạo công tác xuất khẩu; Tổ phát triển vùng nguyên liệu… để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tăng cường khâu liên kết trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về xuất khẩu...
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020. Tiếp tục gắn trách nhiệm của các chủ đầu tư với tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản được giao. Đối với những đơn vị thi công chưa đảm bảo tiến độ thì xử lý nghiêm theo quy định. Đối với các đơn vị thi công không đáp ứng yêu cầu về năng lực, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát và công bố công khai.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Hồng Ân (thực hiện)
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.