HaUI là bệ phóng, lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên
“Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn có những bước phát triển mạnh mẽ qua từng năm. HaUI chú trọng tạo môi trường học thuật, khơi gợi sự hứng khởi, đam mê để sinh viên phát huy năng lực của mình trong nghiên cứu khoa học, tạo ra những ý tưởng, những giải pháp, đề tài hữu ích, gắn với mục đích phục vụ cộng đồng.” PGS.TS. Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết và trao giải sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ XIV (năm học 2022 - 2023) diễn ra sáng 28/06/2023.
Đam mê nghiên cứu ứng dụng
Năm học 2022 - 2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 443 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học, thu hút hơn 1.600 sinh viên tham gia; trong đó có 31 đề tài xuất sắc đạt giải nhất, 86 đề tài đạt giải nhì, 99 đề tài đạt giải ba và 198 đề tài đạt giải khuyến khích.
Theo Ban tổ chức Hội nghị, 11 hội đồng khoa học đã tổ chức nghiệm thu các đề tài theo lĩnh vực. Phần lớn công trình, đề tài của sinh viên HaUI đều mang tính ứng dụng, sát với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu đào tạo gắn với sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp. Một số đề tài tiêu biểu như: Đề tài "Nghiên cứu chế tạo vật liệu nanocomposite thân thiện môi trường trên cơ sở graphene oxide và nanocellulose" của sinh viên Trần Đức Việt Anh và nhóm nghiên cứu Khoa Công nghệ Hóa, do PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh hướng dẫn;
Đề tài "Nghiên cứu tìm hiểu hệ thống phát hiện hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo" của sinh viên Lý Thành Lâm và nhóm sinh viên khoa Công nghệ thông tin, do TS. Vũ Việt Thắng hướng dẫn; Đề tài "Nghiên cứu mức độ hài hòa giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) với chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)" của sinh viên Nguyễn Thị Quỳnh Anh và nhóm nghiên cứu Khoa Kế toán - Kiểm toán, do TS. Đặng Thu Hà hướng dẫn;...
Lấy cảm hứng từ ý tưởng về những thành phố hoạt động 24 giờ không nghỉ đã được hình thành vào cuối những năm 1970 tại khu vực Châu Âu, sinh viên Đặng Chung Anh và nhóm nghiên cứu Khoa Quản lý kinh doanh, dưới sự hướng dẫn của TS. Bùi Thị Thu Loan, mang đến đề tài "Ảnh hưởng của kinh tế bóng đêm (Night - time economy) đến sự hài lòng của du khách: Nghiên cứu trường hợp khu du lịch phố cổ Hà Nội". Các phát hiện từ đề tài của nhóm nghiên cứu là cơ sở đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch Hà Nội nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
"Ban đầu mình nghĩ nghiên cứu khoa học là tập trung vào những vấn đề vĩ mô, khô khan. Tuy nhiên, qua cách hướng dẫn của các thầy cô, sự hỗ trợ của nhà trường, mình hiểu nghiên cứu khoa học gắn với những lợi ích, giá trị thực tiễn của cuộc sống, giúp người trẻ phát triển tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu thông tin và kỹ năng phân tích tổng hợp - 3 kỹ năng sinh viên thường yếu nhất. Ngoài ra, việc viết nghiên cứu còn giúp sinh viên rèn luyện tính kiên nhẫn, cách lập luận logic và cách chọn lọc từ ngữ để truyền tải nội dung đầy đủ nhất cho người đọc. Những giá trị đó giúp mình nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học nghiêm túc", Đặng Chung Anh chia sẻ.
Xây dựng môi trường sáng tạo cho sinh viên
PGS.TS. Vũ Minh Tân - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ, trình bày báo cáo, trong đó nhấn mạnh: để góp phần hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên, nhà trường từng bước xây dựng môi trường sáng tạo, tạo điều kiện cho sinh viên trong trường tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học ở quy mô cấp trường, cấp khu vực, cấp quốc gia và quốc tế. Thông qua các sân chơi học thuật uy tín, nhà trường tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, đóng góp giải quyết những vấn đề thực tiễn và phục vụ cộng đồng.
Những điểm nhấn trong năm học 2022 - 2023 của nhà trường như: Vô địch Procon Việt Nam năm 2022, đại diện Việt Nam tham dự và thi đấu tại Nhật Bản vào tháng 10/2023; Vô địch Robocon Việt Nam năm 2023, đại diện Việt Nam thi đấu ABU Robocon 2023 vào tháng 8/2023 tại Campuchia; Đạt thành tích tốt nhất so với 3 đội Việt Nam tham dự Shell Ecomarathon 2022 và đạt giải Nhì tại hạng mục xe cơ sở - động cơ đốt trong; Các đội tuyển của nhà trường đạt nhiều thành tích cao tại các cuộc thi Olympic toàn quốc.
Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên tiêu biểu như: Tọa đàm "Thanh niên với chuyển đổi số vả đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng", Hội thảo khoa học "Ứng dụng Công nghệ Internet vạn vật IoT", Cuộc thi "Thử thách lập nghiệp lần VI". Thông qua chương trình, cuộc thi đã tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, chuyển đổi số, tinh thần sáng tạo cho sinh viên Nhà trường.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng nhà trường đánh giá cao vai trò của các giảng viên hướng dẫn trong việc định hướng sinh viên tham gia phong trào nghiên cứu khoa học. Nhiều sản phẩm, giải pháp đề xuất được đánh giá cao nhờ tính sáng tạo, tính ứng dụng, thân thiện môi trường, gần gũi với nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh tế hộ gia đình, sẵn sàng phục vụ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, các lĩnh vực ứng dụng công nghiệp 4.0.
PGS.TS. Phạm Văn Đông khẳng định: Lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Cụ thể, kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên năm học 2022 - 2023 là trên 3,3 tỷ đồng, tăng hơn 1,2 lần so với năm học 2021 - 2022.
Hội nghị Tổng kết và trao giải sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ XIV (năm học 2022 - 2023) diễn ra trong không khí thầy và trò Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 125 năm ngày truyền thống Nhà trường. Đây thực sự là ngày hội của toàn thể giảng viên, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
PV
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.