Hawaii dự kiến thu phí khách du lịch
Chính quyền Hawaii dự định sẽ thu phí đối với du khách đến thăm những địa điểm nằm trong danh sách phải trả tiền để bảo tồn cảnh quan và hệ sinh thái thiên nhiên.
Sửa chữa rạn san hô sau khi tàu thuyền mắc cạn. Bảo vệ cây rừng bản địa khỏi sự bùng phát của nấm sát thủ. Tuần tra vùng biển để ngăn chặn nhóm bơi lội quấy rối cá heo và rùa. Song, chăm sóc môi trường tự nhiên độc đáo của Hawaii cần có thời gian, nhân lực và tiền bạc.
Hawaii hiện đang muốn khách du lịch trả tiền cho những khoản này khi ngày càng có nhiều người đến đây nghỉ mát hoặc tò mò về khung cảnh ấn tượng xuất hiện trên báo đài.
“Thành thật mà nói, tất cả những gì tôi muốn làm là khiến du khách có trách nhiệm và giúp chi trả cho những tác động mà họ gây ra. Chúng tôi có khoảng 9-10 triệu khách du lịch mỗi năm, số lượng khách đó sẽ giúp chúng tôi duy trì môi trường tự nhiên”, Thống đốc bang Hawaii Josh Green phát biểu vào đầu năm 2023.
Các nhà chức trách nơi đây đang xem xét thông qua luật yêu cầu những du khách (không phải người bản địa) trả tiền để có giấy phép đặt chân đến đây. Họ vẫn đang tranh luận về mức phí dành cho du khách.
Thống đốc bang Hawaii từng đề xuất mức phí 50 USD, tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng điều đó vi phạm Hiến pháp Mỹ là bảo vệ quyền tự do đi lại và yêu cầu có giải pháp khác phù hợp hơn.
Chính quyền “đảo thiên đường” đang tham khảo các địa điểm tham quan đã áp đặt các loại phí hoặc thuế tương tự như Venice (Italy) và quần đảo Galapagos (Ecuador).
Sean Quinlan, thành viên Hạ viện Hawaii, cho biết việc thay đổi mô hình du lịch là lý do đằng sau về sức hút của quần đảo này. Cụ thể, số khách chơi golf mỗi ngày đã giảm 30% trong thập kỷ qua trong khi đi bộ đường dài tăng 50%.
Mọi người cũng có xu hướng tìm đến các điểm đến ít người biết mà họ từng thấy ai đó đăng trên mạng xã hội. "Không giống như cách đây 20 năm, du khách thường đưa gia đình đến một bãi biển nổi tiếng và đi xem Trân Châu Cảng. Ngày nay, hầu như số đông thích ghé qua nơi xuất hiện trên Instagram", Quinlan nói.
Đặc biệt, phần lớn điểm vui chơi như các công viên và đường mòn tại đây đang được sử dụng miễn phí.
Một số địa điểm nổi tiếng nhất đã tính phí, chẳng hạn Đài tưởng niệm Diamond Head State, nơi có đường mòn dẫn từ đáy miệng núi lửa 300.000 năm tuổi lên đến đỉnh núi. Địa điểm này thu hút 1 triệu du khách mỗi năm. Khách tham quan phải trả 5 USD/lần ghé thăm.
Theo dự kiến, quy định thu phí tham quan sẽ áp dụng cho những người không phải là cư dân từ 15 tuổi trở lên. Nếu muốn đến đến thăm rừng, công viên, đường mòn hoặc “khu vực tự nhiên khác trên đất của bang”, họ phải mua giấy phép. Người có bằng lái xe Hawaii hoặc giấy tờ tùy thân khác sẽ được miễn phí.
Nhu cầu bảo tồn của Hawaii rất lớn. Các loài gây hại xâm lấn đang tấn công những khu rừng tự nhiên của quần đảo. Ngoài ra, việc quấy rối động vật hoang dã như cá heo, rùa và hải cẩu là một vấn đề thường xuyên tái diễn.
Những người đi bộ đường dài cũng có thể vô tình tác động xấu đến thiên nhiên. Còn du khách lặn biển và đi du thuyền thì giẫm lên san hô, gây thêm "căng thẳng" cho các động vật biển vốn đang phải vật lộn với tảo xâm lấn và hiện tượng tẩy trắng.
Một báo cáo năm 2019 của tổ chức Bảo tồn Quốc tế ước tính tổng chi tiêu cho việc bảo vệ môi trường ở Hawaii lên tới 535 triệu USD, trong khi nhu cầu thực tế là 886 triệu USD.
Gần đây, tại đường mòn Diamond Head, một số du khách cho rằng việc thu phí này hoàn toàn hợp lý đối với những ai thường xuyên đến Hawaii hoặc ở lại trong vài tuần.
“Nếu khách du lịch được thông báo trước, họ sẽ sẵn lòng chi trả. Tuy nhiên, nếu bị tính phí bất ngờ, điều đó sẽ khiến họ cảm thấy thật tệ hại”, Katrina Kain, giáo viên tiếng Anh đến từ Puerto Rico, bày tỏ.
Luật thu phí sẽ quy định số tiền thu được được chuyển vào “quỹ đặc biệt về phí tác động của du khách” do Bộ Tài nguyên và Đất đai quản lý.
Mufi Hanneman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà nghỉ và Du lịch Hawaii, đại diện cho các khách sạn, hoàn toàn ủng hộ dự luật nhưng cho rằng, Hawaii phải giám sát cẩn thận cách sử dụng nguồn tiền thu được.
An Mai (Theo Hindu Stand Times)Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD.