HĐND tỉnh Nghệ An giám sát chuyên đề quản lý nhà nước về khoáng sản tại Quỳ Hợp
Thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn Nghệ An, mới đây, Đoàn giám sát do ông Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với huyện Quỳ Hợp. Cùng đi có bà Võ Thị Minh Sinh - Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh.
- Phản hồi kiến nghị Công ty TNHH Toàn Thắng về hoạt động khoáng sản
- Nghệ An: Phản hồi của Sở TNMT “Quản lý khoáng sản có thất thoát?”
- Nghệ An: Quản lý khoáng sản có thất thoát?
- Nghệ An: Cần làm rõ dấu hiệu doanh nghiệp sai phạm hoạt động khai thác khoáng sản?
- Huyện Qùy Hợp: Nhức nhối nạn khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép
Tại Kỳ họp thứ 7 (diễn ra từ ngày 12-14/7/2022), HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII đã thống nhất ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về "Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Việc HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết nêu trên nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế khó khăn, nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Bắt đầu từ ngày 20/9/2022, Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện giám sát chuyên đề "Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2021" cho đến hết ngày 18/10/2022. Theo kế hoạch, Đoàn sẽ giám sát tại một số sở, ngành cấp tỉnh và UBND huyện có liên quan.
Bên cạnh đó, Đoàn cũng sẽ khảo sát trực tiếp một số doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh với các nội dung: Giám sát việc ban hành các văn bản quản lý và tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản; việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, cấp phép, khai thác, sử dụng khoáng sản; tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng nơi khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về khoáng sản; thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo đó, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc đầu tiên thực hiện theo các nội dung tại huyện Quỳ Hợp.
Hiện nay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 79 mỏ được cấp phép còn hạn; có 78 mỏ hết hạn, trong đó 50 giấy phép đã có quyết định đóng của mỏ của UBND tỉnh; 11 giấy phép đã cấp lại cho tổ chức khai thác khoáng sản; 14 giấy phép đang thực hiện trình tự thủ tục cấp lại cho tổ chức khai thác khoáng sản và 3 giấy phép đang thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra trên địa bàn huyện có 50 điểm, vị trí khai thác khoáng sản trái phép đã bị xử lý từ trước đến nay tiềm ẩn nguy cơ tái khai thác trái phép trở lại.. Hiện, địa bàn Quỳ Hợp có 158 xưởng chế biến khoáng sản, trong đó có 47 xưởng sản xuất hộ kinh doanh cá thể.
Thông qua 2 tổ khảo sát trực tiếp tại một số điểm mỏ tại các xã Châu Lộc, Liên Hợp và làm việc với UBND các xã Châu Hồng, Châu Lộc, Liên Hợp, đồng thời lắng nghe ý kiến của người dân; tại cuộc làm việc với UBND huyện, các thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh đã nêu nhiều băn khoăn, đề xuất huyện cần tiếp tục quan tâm, vào cuộc thường xuyên và quyết liệt hơn, trong đó làm rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị để tạo bước chuyển thật sự trong thời gian tới.
Nổi lên là tình trạng khai thác trái phép đá, thiếc vẫn xảy ra trên địa bàn. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp khai thác ngoài khu vực được cấp phép và khai thác vượt công suất, trữ lượng được cấp phép; một số trường hợp sử dụng vật liệu nổ không đúng quy định pháp luật và nổ mìn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân gần khu vực mỏ.
Một số thành viên Đoàn giám sát cũng phản ánh tình trạng hạ tầng giao thông xung quanh khu vực mỏ xuống cấp và ô nhiễm từ bụi đá, vận chuyển khoáng sản.Hệ lụy của việc khai thác tại một số khu vực đe dọa đến an toàn đời sống người dân. Bên cạnh đó là các vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh lao động, xử lý xe quá khổ quá tải.
Đồng thời đặt ra một số vấn đề quan tâm liên quan đến việc xử lý sụt lún ở xã Châu Hồng; vấn đề phục hồi môi trường ở một số điểm mỏ không đảm bảo; việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân trong quy trình thực hiện hồ sơ cấp mỏ còn nhiều chủ quan...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi nghi nhận những nỗ lực của địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp quan tâm các kiến nghị của thành viên Đoàn giám sát. Trong đó, huyện cần quan tâm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản; đặc biệt chú trọng khắc phục các tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản ảnh hưởng sinh hoạt của người dân như về tiếng ồn, ô nhiễm bụi, ô nhiễm nước sinh hoạt và nhà ở của dân.
Huyện cũng cần tập trung đôn đốc, xử lý hậu quả sụt lún tại xã Châu Hồng, sớm ổn định cuộc sống cho người dân; tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với các cấp, các ngành trong quản lý cũng như xử lý các vi phạm, khắc phục các sự cố có thể xảy ra; duy trì chế độ báo cáo về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản từ cơ sở để vào cuộc xử lý các tình huống và vi phạm; xem xét phục hồi môi trường sau khai thác và cơ chế giao đất cho người dân phát triển kinh tế.
Đối với một số đề nghị của huyện Quỳ Hợp sẽ được đoàn giám sát tiếp thu để đưa vào Báo cáo, phục vụ xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trong kỳ họp cuối năm nay.
Lê DungTuyến đường sắt nhẹ (LRT) sẽ chạy dọc sông Sài Gòn, kết nối thẳng tới Tây Ninh với chiều dài gần 100km, kỳ vọng góp phần gỡ điểm nghẽn về giao thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội toàn vùng Đông Nam Bộ phát triển tương xứng tiềm năng.