Hé lộ địa điểm Phú Mỹ Hưng muốn đầu tư vào Thái Nguyên
Ngày 12/4, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi tiếp và làm việc với ban lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng). Sau buổi làm việc, Đoàn công tác của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cũng đã đi tham quan, khảo sát tại Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đề xuất nghiên cứu đầu tư triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Công ty Phú Mỹ Hưng mong muốn sẽ đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên trong phát triển công nghiệp, du lịch và quy hoạch khu đô thị.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã giới thiệu với lãnh đạo Phú Mỹ Hưng về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và các lĩnh vực, địa điểm mà tỉnh thu hút đầu tư; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để Công ty tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên.
Theo thông tin từ Báo Thái Nguyên, với những thế mạnh của nhà đầu tư, về phía tỉnh đã đưa ra một số đề xuất để Công ty nghiên cứu đầu tư như khu du lịch hồ Núi Cốc. Đại diện các địa phương có mặt tại buổi tiếp cũng bày tỏ mong muốn, nhà đầu tư quan tâm đến các dự án xây dựng khu đô thị sinh thái…
Sau buổi làm việc, Đoàn công tác của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cũng đã đi tham quan, khảo sát tại Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc.
Trong một diễn biến liên quan đến Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc hồi tháng 2/2016, Dự án xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc đã được tỉnh Thái Nguyên và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường động thổ xây dựng với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng.
Dự kiến phân khu chức năng chính "siêu" dự án này gồm: khu tâm linh; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; khu làng văn hóa các dân tộc. Ngoài ra còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch. Vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch. Vị trí 2 tại nút giao đường phía Tây với Tỉnh lộ 261.
Đặc biệt, tại khu tâm linh, Công ty Xuân Trường sẽ xây dựng xây dựng Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5 đến 10 nghìn người trong cùng một thời điểm tại.
Tháng 3/2018, có nhiều luồng thông tin cho rằng đại dự án tâm linh của Công ty Xuân Trường phải dừng thi công. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã bác bỏ thông tin này. Tỉnh Thái Nguyên khẳng định các dự án thuộc Khu dịch Hồ Núi Cốc vẫn đang trong lộ trình triển khai thực hiện, đúng tiến độ, đúng kế hoạch, đúng quy định của pháp luật.
Theo quy hoạch đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc thuộc địa bàn các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương thuộc thành phố Thái Nguyên, các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu và thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, xã Phúc Tân thuộc thị xã Phổ Yên.
Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc có tính chất là khu du lịch quốc gia - trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sinh thái, bảo tồn, thể thao và vui chơi giải trí cao cấp của tỉnh Thái Nguyên và khu vực miền Bắc; là khu vực bảo tồn sinh quyển, rừng phòng hộ bảo vệ lưu vực chính của sông Công, khu vực trồng chè đặc sản có quy mô lớn tập trung có giá trị kinh tế cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, gìn giữ văn hóa đặc sắc của các nhóm dân tộc vùng lòng hồ.
Mục tiêu của nhiệm vụ quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến 2030; xây dựng và phát triển Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí công nhận là khu du lịch quốc gia trước năm 2025, hướng tới trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc Bộ;
Xây dựng và phát triển liên kết về không gian, kết nối hạ tầng khung Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc với định hướng phát triển của tỉnh Thái Nguyên, Vườn quốc gia Tam Đảo và Vùng Thủ đô Hà Nội nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội khu vực Hồ Núi Cốc và các vùng lân cận nói chung, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương;
Bảo tồn và phát huy được các lợi thế sẵn có của khu vực về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên: hệ sinh thái rừng phòng hộ, hệ sinh thái hồ, đảo, hệ sinh thái vùng trồng chè đặc sản Tân Cương... nhằm khai thác phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững; đồng thời, làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc theo quy hoạch và triển khai các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng tiếp theo.
Thanh NgàKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.