Hệ thống ngân hàng Việt Nam và giá trị thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên mới
Ngày 5/5, tại khách sạn Melia (Hà Nội), Thời báo Ngân hàng tổ chức Diễn đàn "Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý cho hệ thống ngân hàng" với sự tham dự của 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, các bộ, ngành; chuyên gia quốc tế và trong nước; đại diện tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước…

Diễn đàn là dịp để cùng nhìn nhận sâu sắc hơn về tầm quan trọng của thương hiệu quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa.
Diễn đàn được tổ chức nhằm làm rõ vai trò then chốt của định vị thương hiệu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế ngân hàng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Thông qua Diễn đàn, nhằm gợi mở những bài học kinh nghiệm quốc tế, giúp ngân hàng Việt Nam có những chiến lược phù hợp với xu thế hội nhập trong kỷ nguyên mới...
Tham dự diễn đàn, có ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Giáo sư John A. Quelch - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, nguyên Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch và Giáo sư ưu tú tại Trường Kinh doanh Quốc tế châu Âu - Trung Quốc (CEIBS) - một trong những học giả hàng đầu thế giới trong lĩnh vực marketing chiến lược và xây dựng thương hiệu tài chính - người được mệnh danh là "Phù thủy thương hiệu".
Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham dự của ông Peter Verhoeven - thành viên Ban lãnh đạo Anax Invest, chuyên gia có hơn 40 năm kinh nghiệm quản trị ngân hàng tại các tập đoàn tài chính hàng đầu như Deutsche Bank, Citibank, Standard Chartered; bà Thái Hương - Anh hùng lao động, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH; bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng;…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết: Thực hiện chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành ngân hàng luôn xác định rõ trách nhiệm trong việc hiện thực hóa các định hướng phát triển đất nước.
Thời gian qua, ngành đã tiên phong trong đổi mới, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu ngân hàng vững mạnh, từng bước vươn tầm khu vực và toàn cầu, đóng góp thiết thực vào việc khẳng định vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên mới.

Các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra chiến lược phù hợp cho ngân hàng Việt nắm bắt cơ hội vươn ra thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, đặc biệt là lĩnh vực tài chính - ngân hàng, việc xây dựng thương hiệu ngân hàng có tầm vóc khu vực và quốc tế trở thành yêu cầu cấp thiết. Tại Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 7/1/2019 về "Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" cũng nêu mục tiêu phấn đấu có từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn mạnh nhất khu vực châu Á và có 1-2 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy các tổ chức tín dụng, củng cố nền tảng tài chính vững mạnh, nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế, tăng cường minh bạch thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Đây chính là những trụ cột nền tảng để xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt Nam một cách bài bản, chuyên nghiệp và bền vững.
Về phía các tổ chức tín dụng cũng đã không ngừng được củng cố và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Brand Finance mới đây đã công bố Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất trên toàn cầu năm 2025. Theo bảng xếp hạng này, năm nay, Việt Nam có 13 ngân hàng lọt vào Top 500. Đây là tín hiệu đáng mừng, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với từng ngành kinh tế, trong đó có ngành Ngân hàng trong việc xây dựng hình ảnh, nâng cao uy tín và sức ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng - nhận định: Thương hiệu là tài sản vô hình nhưng mang giá trị chiến lược. Một ngân hàng có nội lực tốt nhưng không làm thương hiệu bài bản sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu làm truyền thông tốt nhưng không có thực lực, thì cũng khó giữ được lòng tin lâu dài.
Giáo sư John A. Quelch - chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực marketing chiến lược tài chính ngân hàng - cũng đã chia sẻ về những chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế mang tính hệ thống, từ xây dựng định vị, cấu trúc thương hiệu đến quản trị niềm tin và giá trị cảm xúc của khách hàng. Giáo sư cũng gợi mở mô hình quốc tế hóa phù hợp cho thương hiệu ngân hàng Việt dựa trên lợi thế cạnh tranh riêng…
Ông Peter Verhoeven - thành viên Ban lãnh đạo Anax Invest - nhận định: Yếu tố quan trọng nhất của thương hiệu ngân hàng chính là niềm tin. Không có niềm tin, mọi hoạt động sẽ trở nên vô nghĩa, công chúng sẽ không muốn giao dịch với ngân hàng. Do đó, chúng ta cần xây dựng niềm tin vững chắc vào hệ thống ngân hàng. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường giám sát hoạt động ngân hàng để đảm bảo niềm tin này.
Bà Thái Hương - Anh hùng lao động, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH - cho rằng, khi hoạt động trong ngành thực phẩm, thì giá trị đầu tiên mang lại cho người tiêu dùng đó là vì sức khỏe cộng đồng. Đây là hoạt động dài hạn và phải xem giá trị đó như phẩm hạnh của con người. Đây cũng là con đường ngắn nhất để hình thành một thương hiệu gắn với cộng đồng…

Quang cảnh Diễn đàn.
Theo ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực tài chính, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển sản phẩm - dịch vụ theo chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nâng cao năng lực quản trị, tài chính, đẩy mạnh sáng tạo, hội nhập quốc tế và xây dựng chiến lược thương hiệu bài bản, chuyên nghiệp, gắn kết chặt chẽ với chiến lược kinh doanh dài hạn.
Ông Phạm Thanh Hà bày tỏ tin tưởng rằng, với sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng vươn lên của toàn ngành ngân hàng, trong thời gian tới, thương hiệu ngân hàng Việt Nam sẽ ngày càng được khẳng định, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững.
Nguyễn Hạnh
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,9% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 24,5%.