Hiến kế phát triển ngành Giáo dục TP. Cần Thơ
Tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp đầu tư phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ” do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ tổ chức ngày 8/5, các nhà khoa học, nhà giáo, các ngành liên quan đã góp ý nhiều giải pháp, hiến kế cho phát triển ngành giáo dục thành phố.
Những bước tiến lớn của ngành Giáo dục TP. Cần Thơ
Tổng quan về ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", trong giai đoạn 2015 - 2020, lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo của Cần Thơ không ngừng được củng cố và mở rộng theo hướng chuẩn hóa, chất lượng. Mạng lưới trường, lớp và quy mô học sinh ở các bậc học, cấp học ngày một nâng lên.
Tính đến cuối năm 2020, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia 362/459 trường, tăng 174 trường so với năm 2015, đạt tỷ lệ 78,78%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học phát triển mạnh (90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 5 trường đại học, 2 cơ sở đại học) và được mở rộng đa ngành nghề, đa lĩnh vực.
Để đạt được thành quả trên, ông Dương Tấn Hiển cho biết, thành phố xác định "huy động mọi nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh vị thế trung tâm vùng về giáo dục đào tạo". Cần Thơ chú trọng mở rộng mạng lưới, phát triển giáo dục các bậc học theo hướng đa dạng hóa loại hình, đạt chuẩn. Tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân mở trường đạt chuẩn quốc tế, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ đạo các quận, huyện tập trung rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn các xã và quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng thiết yếu cho xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục đào tạo.
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết thêm: Trong 10 năm qua, ngành Giáo dục TP. Cần Thơ đã đạt được một số bước tiến lớn: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; triển khai thành công mô hình "Trường điển hình đổi mới" (giai đoạn 2017-2020), làm cơ sở triển khai rộng ra quy mô cả nước; Đảm bảo các điều kiện triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, mô hình STEM trong giáo dục…
Tuy vậy, ngành giáo dục Cần Thơ vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, xã hội để từng bước tháo gỡ, như: Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ; thiếu giáo viên ở những môn đặc thù như âm nhạc, tin học; các môn tích hợp. Cơ sở vật chất ở một số điểm trường đã xuống cấp, không đủ diện tích đảm bảo cho việc tổ chức lớp học, nhất là các lớp phục vụ cho thực hành.
Số lượng học sinh tăng cơ học do di dân từ địa phương khác tới tăng mạnh theo từng năm, khiến hệ thống trường học của Cần Thơ chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hệ thống quản lý, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác điều hành, giảng dạy còn chưa đồng bộ, đặc biệt ở những điểm trường vùng sâu vùng xa, chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin…
Cần các giải pháp mang tính đột phá
Là đầu tàu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành giáo dục TP. Cần Thơ phấn đấu ngày càng có nhiều thành tựu xứng đáng với vị thế một trong năm thành phố trực thuộc trung ương.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: Trẻ và học mẫu giáo 99,15%, bậc tiểu học 100%, bậc trung học cơ sở 95%. Phấn đấu ít nhất 90% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80-85%. Ngày càng nhiều các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo chất lượng cao, giáo dục mũi nhọn.
Góp ý kiến giải pháp cho phát triển giáo dục Cần Thơ, đa số các đại biểu đề nghị thành phố cần đảm bảo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở các cấp học, đặc biệt đối với các địa phương vùng sâu vùng xa. Điều này chỉ hiện thực hóa được thông qua việc ngành Nội vụ cấp chỉ tiêu phù hợp, ngành Giáo dục tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị ngành Giáo dục TP. Cần Thơ cần chú trọng mở rộng đào tạo đa lĩnh vực, giáo dục mũi nhọn, giáo dục chuyên sâu.
Ông Nguyễn Ngọc Tâm - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung xây dựng đồng bộ mạng lưới trường học, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị dạy học. Tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở vật chất giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và các trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn thành phố.
Đồng thời "Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, đào tạo phát triển tài năng sau đại học ở những ngành, lĩnh vực quan trọng, bố trí sử dụng hợp lý và phát huy năng lực, trình độ chuyên sâu cho lực lượng đào tạo phục vụ thành phố". Ưu tiên đầu tư giáo dục phổ thông theo hướng tập trung nâng cao chất lượng toàn diện, gắn với hoàn thiện mạng lưới giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.