Hiện thực hóa các hệ giá trị nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc
Ngày 29/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu tại các điểm ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tham dự Hội thảo, tại điểm cầu Hà Nội, có các đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS,TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS, TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Hội thảo…
Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, có các đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế, có các đồng chí Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - - Huế; Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.
Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" có sự tham gia của gần 500 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu đến từ các hiệp hội, hội chuyên ngành văn học nghệ thuật, các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật trong cả nước. Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Hội thảo đã nhận được gần 90 tham luận từ các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức trên mọi miền đất nước của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và nhận được sự quan tâm cổ vũ của dư luận xã hội trước khi Hội thảo diễn ra. Điều này cho thấy, đây là sự kiện văn hóa, chính trị - xã hội lớn có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với định hướng chính trị của Đảng về tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Mục tiêu tổng quát của Hội thảo là phát huy trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý văn hóa trong cả nước để trao đổi kết quả nghiên cứu, thảo luận, hướng đến làm rõ và thống nhất trong việc xác định các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để Đảng và Nhà nước ban hành quyết sách tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận: Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề "Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", do GS, TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành. Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới", do GS, TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì, điều hành.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".
Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó việc "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới" và xác định đây là nhiệm vụ có vai trò đặc biệt quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn chứng: tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Có thể nói, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm".
Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định hướng: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".
Tại Hội thảo này, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó. Đồng chí đề nghị chỉ rõ vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đặc biệt, các đại biểu cần đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trong hai phiên thảo luận, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa đã trao đổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định nội dung các giá trị cụ thể trong từng hệ giá trị; những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện trong việc sử dụng, giữ gìn, phát huy các hệ giá trị nhằm phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể, để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo chia sẻ: Trên cơ sở tiếp thu ý kiến phát biểu của các vị đại biểu trong Hội thảo này, chúng tôi xin rút ra một số kết luận sau:
Thứ nhất: Hội thảo thống nhất cao khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Khẳng định việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị này có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ hai: Hội thảo đã tập trung làm sâu sắc hơn vai trò của từng hệ giá trị và mối quan hệ biện chứng giữa các giá trị này trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó nhấn mạnh lấy chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác. Sự phân định ở đây về các hệ giá trị là tương đối vì các hệ giá trị này có mối quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ và chuyển hóa lẫn nhau để tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ ba: Về nội dung của các hệ giá trị, từ nhiều bình diện khác nhau, các đại biểu tiếp tục phân tích làm rõ hơn các nội dung trong bài bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.
Về hệ giá trị con người Việt Nam cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Nội dung của các hệ giá trị này vừa đảm bảo được tính khái quát, cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, vừa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước, vừa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân hiện nay.
Thứ tư: Hội nghị thống nhất ý kiến bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, xác định các hệ giá trị, cần xây dựng, ban hành và triển khai để hiện thực hóa các hệ giá trị này trong đời sống thực tiễn thông qua sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, của toàn thể nhân dân. Cần tạo ra một cuộc vận động lớn về xây dựng và thực hành các hệ giá trị Việt Nam gắn liền với phong trào Thi đua yêu nước và Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phát huy vai trò của tổ chức Đảng và hệ thống chính trị các cấp, các ngành, của đội ngũ tri thức văn nghệ sĩ, của các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các cơ quan thông tin đại chúng trong việc khẳng định và lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo ra sự thống nhất và đồng thuận xã hội trong việc nghiên cứu, xây dựng và thực hành các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị đã trải qua một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Đây là kết quả của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như sự trăn trở, suy nghĩ đóng góp ý kiến của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử, yêu cầu về nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các giá trị đều phải giải quyết những vấn đề cấp thiết do yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Hội thảo hôm nay đã thống nhất được những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong xây dựng các hệ giá trị và làm cơ sở cho quá trình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Nguyễn HạnhĐại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.