Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp

Diễn đàn
05:21 PM 12/10/2022

Nhằm giúp các doanh nghiệp cập nhật chính sách của Chính phủ liên quan đến phát thải ròng bằng 0; đồng thời, góp phần đưa ra những kiến nghị, giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh, góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại COP 26, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”.

Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Hội thảo đã chia sẻ những góc nhìn, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Hội thảo được tổ chức vào sáng 11/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (35 Hùng Vương) với sự tham dự của các đại biểu, khách mời: Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường); bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước); ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường;…

Hội thảo còn có sự góp mặt của bà Đỗ Thị Thu Hương - Đại diện Ban IV, Ban Nghiên cứu phát triển tư nhân, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Thăng Long - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings và sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường, các Bộ ngành liên quan, một số Hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia cùng đông đảo phóng viên báo, đài Trung ương và Hà Nội tham gia đưa tin sự kiện.

Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm giảm phát thải, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Ngay trước thềm Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050", trong đó đưa ra mục tiêu trung hòa carbon, giảm phát thải khí nhà kính trên GDP. Ngay sau khi Hội nghị ở Glasgow kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng; Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon trong nước; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh rằng, nhiều tổ chức trong nước, quốc tế đưa ra những đánh giá rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 và xa hơn, nhưng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh thực tế, hơn ai hết, chính các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp xuất khẩu, đều nhận thấy rằng, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn các sản phẩm, dịch vụ xanh, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển chung của Trái đất.

Tại châu  Âu, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế khác, các hàng rào thuế quan để kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời khuyến khích quá trình khử carbon trong sản xuất trong nước. Thực tiễn này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung phải thay đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon từ các thị trường lớn, giữ vững vị thế trên thương trường quốc tế.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đang nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời bảo vệ được môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính trên GDP đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của Chính phủ, của các bộ, ngành và sự hợp sức thực thi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 4.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0.

"Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp.

Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 5.

Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu trình bày tham luận về "Chính sách và hành động thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam".

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn đồng thời nhấn mạnh, việc thực hiện những cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải chuyển đổi việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải và tăng hấp thụ khí nhà kính. Việc chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng 0 là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam.

"Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp" - ông Phạm Văn Tấn khẳng định.

Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thu Hương - đại diện Văn phòng Ban IV, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Việt Nam là một trong 6 quốc gia phát thải lớn nhất tại ASEAN nhưng đã rất quyết liệt trong việc phê duyệt Chiến lược phát thải ròng bằng 0. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông tới các doanh nghiệp trong thời gian tới về các thông tin, chính sách liên quan đến giảm phát thải, cũng như các cam kết của Chính phủ tại COP26.

Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 6.

Bà Đỗ Thị Thu Hương - đại diện Văn phòng Ban IV, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ - phát biểu tại Hội thảo.

"Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp, đẩy nhanh hoàn thiện khung pháp lý về thị trường carbon. Đối với doanh nghiệp, cần tìm hiểu những thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước và các nguồn tin chính thống khác; chủ động tìm hiểu về các hệ giải pháp đã áp dụng trên thế giới; phát huy vai trò của các hiệp hội, ngành hàng…" - bà Đỗ Thị Thu Hương khuyến cáo.

Xuyên suốt buổi Hội thảo, các diễn giả, các đại biểu, khách mời đã cùng nhau chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về các chính sách của Chính phủ liên quan đến giảm phát thải, các hàng rào thuế quan với phát thải khí nhà kính dựng lên trong môi trường thương mại quốc tế, cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới. Đồng thời, các đại biểu, khách mời đã thảo luận, gợi mở những giải pháp giúp cho doanh nghiệp vượt qua thách thức, thực hiện hoạt động giảm phát thải, phát triển xanh và bền vững.

Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 7.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng, thực hiện cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 đem đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Những ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo: "Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp" sẽ là những gợi mở hữu ích giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh, đồng thời góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại COP26 đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn