Hiệp định thương mại tự do – Động lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:08 AM 01/01/2021

Với cơ hội từ các FTA mang lại, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

FTA và yêu cầu cấp bách của quá trình chuyển đổi số

Năm 2020 ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Hiệp định thương mại tự do – Động lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với các doanh nghiệp công nghệ số

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), trong số các FTA này, có 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Sau khi kết thúc các FTA đang đàm phán, có thể nói Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới (trừ Hoa Kỳ), tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.

Mới đây, tối 29/12 (giờ Việt Nam), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai len (UKVFTA) đã được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh

Việc hàng loạt các FTA có hiệu lực và được ký kết hứa hẹn mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, với những diễn biến không mấy khả quan về tình hình dịch bệnh covid-19 trên toàn thế giới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến, và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh các quốc gia liên tục phải "đóng cửa" vì dịch bệnh.

Hiệp định thương mại tự do – Động lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam Vietnam ICT Summit 2020

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường thế giới một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.

Với sự tiến bộ vượt bậc của CNTT, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng nước ngoài. Hơn nữa, nhờ công nghệ dữ liệu lớn, doanh nghiệp có thể dễ dàng phân tích chính xác hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường, chăm sóc khách hàng, tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp…

Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu

Năm 2020, chứng kiến xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi đại dịch covid-19 hoành hành trên toàn thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và là thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra phần lớn là do sự suy giảm nhu cầu, khi không có nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa và dịch vụ. Sự suy giảm này thể hiện rõ ở một số ngành và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, như vận tải và du lịch...

photo-1609303559310

Lễ ra mắt cẩm nang chuyển đổi số

Trong khi đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia khống chế rất tốt sự lây lan của đại dịch, nền kinh tế tăng trưởng dương cao nhất khu vực và châu lục, là điểm sáng hiếm hoi của thế giới. Việt Nam đang có một vị thế lớn, quan trọng trên trường quốc tế cả về kinh tế và chính trị. Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn vàng, là thời cơ vàng để Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số nhằm nâng cao và duy trì vị thế quan trọng này.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường thế giới một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây. Một trong những lợi ích quan trọng mà chuyển đổi số mang lại cho xuất nhập khẩu Việt Nam đó là việc bảo vệ và phát triển các chỉ dẫn địa lý. Lợi ích này xuất phát từ vấn đề hàng hoá Việt Nam đang gặp phải khi ở các quốc gia thuộc khối EU, nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trong khái niệm của người tiêu dùng.

Điển hình như trong Hiệp định EVFTA, cả Việt Nam và EU đều đưa ra những chỉ dẫn địa lý như một tài sản quý giá cần được bảo vệ. Đây chính là các thương hiệu có danh tiếng của mỗi bên đã được thế giới biết đến. Chính vì sự nổi tiếng này, các thương hiệu này mới cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn để đấu tranh với những hàng hóa "mượn" những thương hiệu này để bán tới tay khách hàng. Bằng cách tận dụng quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là các trào lưu mạng xã hội, các chỉ dẫn địa lý này có thể tới được với người tiêu dùng EU nhanh chóng và hiệu quả hơn. Vẫn là phương thức truyền thông cũ là hình thức truyền miệng, nhưng hình thức "truyền miệng trực tuyến" lại có hiệu quả vô cùng lớn trong thời đại số.

Tại Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá 2020 do Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đồng tổ chức hồi cuối tháng 7/202 tại Hà Nội. Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: "Chuyển đổi số giúp chúng ta vừa có được một nền thương mại minh bạch, hiệu quả, vừa giải quyết được vấn đề không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới".

"Trong lĩnh vực hẹp xuất nhập khẩu, đối với doanh nghiệp thì tích hợp công nghệ số trong toàn bộ quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu là bắt buộc. Đối với các bộ, ngành, việc phối hợp vận hành nền tảng số giữa các cơ quan trong cả mạng lưới dịch vụ số bảo đảm cho xuất nhập khẩu như CO, hải quan, thuế, logistic, ngân hàng là vấn đề quan trọng sống còn" – ông Lộc nhận định.

Cũng tại diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng Thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Ngoài ra, Bộ cũng đang khẩn trương hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung cũng như hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã khai trương nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN tại địa chỉ: www.ecvn.com nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội giao thương trên môi trường trực tuyến.

Đáng chú ý ngay trong khi dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của nhà nước Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng số.
Bảo Minh
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.