Hiệp hội Dệt may đề xuất bỏ quy định cấp mã QRCode về "luồng xanh", Tổng cục Đường bộ trả lời phương tiện vận chuyển hàng hoá đều được lưu thông
Bộ Giao thông vận tải khẳng định tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa có hoặc không có giấy nhận diện mã QR code đều được lưu thông và phải kiểm soát các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Cuối tháng 7, Hiệp hội Dệt may (Vitas) đã có công văn đồng kính gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh xã hội tổng hợp các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong khâu vận chuyển hàng hoá. Vitas cho rằng do quy định của các địa phương, Bộ, ngành không có sự thống nhất dẫn đến mỗi địa phương thực hiện một kiểu làm cho DN, người lao động gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí và gây ách tắc, nhất là trong khâu vận chuyển hàng hoá.
Cụ thể, việc phân "luồng xanh" là một giải pháp tạo thuận lợi cho DN, nhưng do mạng bị "nghẽn" hoặc bị hacker tấn công nên gây ách tắc. Bên cạnh đó, vấn đề giấy xét nghiệp các địa phương quy định không thống nhất (dùng giấy xét nghiệp test nhanh, test nhanh kháng nguyên hay xét nghiệm PCR và thời gian có giá trị) cũng làm cho DN gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, quy định thế nào là hàng hoá thiết yếu cũng được mỗi nơi hiểu một kiểu và tạo ra ách tắc.
Do đó Vitas đề xuất bỏ quy định cấp mã QR-Code về "luồng xanh" trên phạm vi cả nước. Đề nghị Bộ Y tế quy định thống nhất từng loại giấy xét nghiệm và thời gian hiệu lực của mỗi loại, khi lái xe lưu thông qua các tỉnh thì dùng loại nào để các địa phương thực hiện. Bỏ quy định chỉ hàng hoá thiết yếu mới được lưu thông, thay vào đó cho phép lưu thông hàng hoá như trong điều kiện bình thường nếu đảm bảo phòng chống dịch, trừ những hàng hoá cấm kinh doanh hoặc những hàng hoá hạn chế kinh doanh theo quy định. Bởi vì theo Vitas, nếu thực hiện mục tiêu kép mà hàng hoá xuất khẩu, nguyên phụ liệu nhập khẩu không được phép lưu thông thì thực hiện thế nào.
Ngày 13/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có ý kiến về các đề xuất của Vitas. Theo đó, Tổng cục cho rằng để đảm bảo thực hiện thuận lợi cho lưu thông hàng hoá cho các vùng thực hiện Chỉ thị 16, tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hoá, có hoặc không có giấy nhận diện có mã QRCode đều được lưu thông và phải kiểm soát các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Về giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản số 5147/TCĐBVN-VT ngày 22/7/2021 về việc triển khai một số nội dung liên quan đến công tác quản lý phương tiện, người lái, tổ chức vận tải và áp dụng "luồng xanh" vận tải, giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code trong đó nêu rõ "luồng xanh" vận tải là tuyến đường lưu thông (đi, đến hoặc đi qua) kết nối giữa các khu vực đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng cục Đường bộ cũng cho biết, giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code được sử dụng để nhận diện phương tiện đã hoàn thành việc kê khai các thông tin liên quan đến đơn vị vận tải, phương tiện và người trên phương tiện, thông tin về hành trình và loại hàng hoá vận chuyển trước khi thực hiện vận chuyển hàng hoá trên các tuyến đường lưu thông kết nối giữa các khu vực đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg với các khu vực khác (hay còn gọi là luồng xanh vận tải).
Phương tiện được cấp Giấy nhận diện có mã QR Code sẽ được các lực lượng chức năng trên đường hoặc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh ưu tiên kiểm tra trước thông qua quét mã QRCode hoặc xem xét miễn kiểm tra hoặc chỉ kiểm tra xác xuất trên đường để đảm bảo lưu thông thông suốt, giảm ùn tắc giao thông, ùn ứ hàng hoá khi phương tiện vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các chốt kiểm soát ra/vào khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16 hoặc các chốt kiểm soát ra/vào khu vực áp dụng các cấp độ kiểm soát dịch Covid khác nhau.
Về quy định hàng hoá thiết yếu, Bộ Công thương đã có văn bản số 4482/BCT-TTTN ngày 27/7/2021về việc lưu thông hàng hoá khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong đó Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép vận chuyển hàng hoá như trong điều kiện bình thường với điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 ngoại trừ hàng hoá cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh. Tổng cục Đường bộ đề nghị Vitas liên hệ với Bộ Công thương để có hướng dẫn cụ thể.
Dệt may gặp khó
Thông tin từ Tập đoàn Dệt May, kể từ tháng 6 khi dịch bệnh dần lan mạnh ở phía Nam, tình hình sản xuất kinh doanh có những diễn biến bất lợi tăng nhanh. Chỉ trong vòng 1 tháng số lượng lao động tạm thời không thể đi làm của Tập đoàn đã lên tới trên 40.000 người, chủ yếu tại khu vực phía Nam. Bên cạnh gánh nặng về trách nhiệm với người lao động mà bằng mọi giá doanh nghiệp phải gánh vác thì doanh nghiệp Dệt May có thêm rủi ro liên quan đến các hợp đồng kinh tế và quan hệ với các khách hàng.
Tính đến 30/6, 100% các đơn vị đã có đủ đơn hàng hết quý 3, quý 4 cũng đã có đơn hàng trên 75%. Chính vì vậy việc không thể tổ chức sản xuất sẽ gây ra ảnh hưởng liên hoàn từ giao hàng trễ, khách hàng không tiếp tục đặt hàng các tháng 11,12 cho năng lực sản xuất còn dư, nhất là xem xét việc đặt hàng năm 2022. Dẫn đến có thêm rủi ro dịch bệnh có thể đã lui nhưng đơn hàng không có nên người lao động tiếp tục phải nghỉ. Nguy cơ khách hàng chọn nguồn cung cấp khác ít nhất một mùa là rất cao.
Vì vậy, theo Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường, những thành quả của 6 tháng đầu năm hoàn toàn có thể mất đi nếu các giải pháp sáng tạo về sản xuất kinh doanh trong điều kiện có dịch không được triển khai quyết liệt. Đồng thời còn có thể có hệ lụy nghiêm trọng với chuỗi cung ứng và trên hết là đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp.
Châu CaoCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.