Hiệp hội Nhựa Việt Nam: Tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII
Sáng 25/10/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Nhựa (HHN) Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2023-2028), tổng kết 5 năm hoạt động của HHNVN nhiệm kỳ VI (2018-2023), bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ VII (2023-2028) và đề ra phương hướng hoạt động cho Hiệp hội trong thời gian tới.
Đại hội là một sự kiện quan trọng của ngành nhựa, với sự tham gia của các cơ quan Bộ, ban, ngành, các Hiệp hội ngành hàng, các đối tác, các doanh nghiệp hội viên.
HHN Việt Nam đươc hình thành từ đầu thập niên 90, đã trải qua 01 chặng đường hơn 30 năm với 19 thành viên ban đầu là các doanh nghiệp Nhà nước, đến nay HHN Việt Nam đã có hơn 200 hội viên, đến từ mọi thành phần kinh tế và đa số đóng vai trò nòng cốt trong mỗi lĩnh vực của ngành. Cùng với những bước chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam, qua 6 nhiệm kỳ Ban chấp hành HHN đến nay đã có những bước tiến liên tục để theo kịp và hỗ trợ hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa trong 05 năm qua luôn đạt ở mức 02 con số từ 12-15%/năm. Sản lượng nguyên liệu nhập khẩu tăng trưởng đều qua các năm từ 5,589 triệu tấn trong năm 2018 tăng lên 7,12 triệu tấn trong năm 2022. Đến nay, Việt Nam có thể sản xuất được các loại nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE, với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới như Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore…
Ngành nhựa hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tổng doanh thu ngành nhựa đã đạt trên 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%. Các doanh nghiệp Nhựa Việt Nam có thể sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt khắp các thị trường khó tính, như: Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, cộng đồng các quốc gia châu Âu, Nhật, Úc… Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nhựa đó là bao bì, các loại tấm, phiến, màng, các sản phẩm dùng trong vận chuyển đóng gói, nhựa gia dụng, đồ dùng trang trí, vải bạt tarpauline.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng đều qua các năm từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12-20%. Tất cả những thành quả đạt được, không thể thiếu vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong đó các thành viên Ban Chấp hành thật sự đã dành nhiều thời gian hơn cho vai trò kiêm nhiệm của mình, thể hiện trách nhiệm cao nhất của họ với cộng đồng. Ban Chấp hành nhiệm kỳ VI đã thật sự gắn bó với nhau qua những kỳ họp định kỳ, những hoạt động phi kinh doanh mang tính xã hội, như: từ thiện, các hoạt động thể thao và hợp tác qua các năm.
Đại diện Hiệp hội đã trình bày phương hướng hoạt động của HHN Việt Nam trong nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó: Tập hợp hội viên, duy trì và giữ vững số lượng hội viên cũ để hoạt động hội ngày càng vững mạnh, hội viên cùng đồng hành và chia sẻ khó khăn, tăng cường đoàn kết, để đối phó với những diễn biến phức tạp, bất ổn trên thị trường.
Xây dựng chiến lược phát triển ngành Nhựa giai đoạn 2023-2028, từ đó giúp các doanh nghiệp có định hướng phát triển ngành và đầu tư bài bản; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, quảng bá sản phẩm đến các quốc gia trên thế giới.
Kiến nghị Chính phủ tập trung và có chính sách hỗ trợ ngành hoá dầu để có thể xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu nhựa ngày một gia tăng, giảm phụ thuộc lượng nguyên liệu nhập khẩu quá lớn như hiện nay.
Xây dựng đội ngũ chuyên gia đào tạo đến từ các nhóm, ngành sản phẩm nhựa để hỗ trợ công tác đào tạo cho các doanh nghiệp trong ngành; đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cho các sản phẩm nhựa, hạt nhựa tái sinh tạo cơ sở thúc đẩy ngành nhựa tái sinh phát triển, nhằm tránh gia tăng nhập khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có thể đáp ứng được.
Để tăng cường sức mạnh và nâng cao năng lực của Văn phòng Hiệp hội, cần xây dựng chương trình hành động cho nhiệm kỳ mới dưới sự thống nhất của Ban chấp hành và thăm dò ý kiến hội viên cũng như các tổ chức đại diện ngành để thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng kho dữ liệu ngành phục vụ hội viên và đối tác trong, ngoài nước, văn phòng chuyên nghiệp, truyền thông chuyên nghiệp. Nâng cao vai trò Hiệp Hội là đại diện và hỗ trợ hội viên, doanh nghiệp trong ngành, nâng cao vai trò Hiệp hội trong xây dựng chiến lược phát triển ngành, phản biện chính sách, để Hiệp hội trở thành một cơ quan đại diện ngành, có tiếng nói, khẳng định chỗ đứng và sự tôn trọng của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tiếp tục duy trì giao lưu kết nối giữa các doanh nghiệp, tổ chức các hội thảo chuyên đề về nguyên, vật liệu mới; công nghệ mới trong ngành và triển khai thực hiện các hoạt động nhân đạo xã hội đến các vùng sâu, vùng xa.
Tại Đại hội, một số bài tham luận được trình bày và diễn ra các hoạt động vinh danh các doanh nghiệp có nhiều đóng góp thiện nguyện cũng như các doanh nghiệp đóng góp nổi bật cho ngành nhựa trong 5 năm qua. Ngoài ra, Đại hội sẽ tiến hành bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ VII (2023-2028) của Hiệp hội Nhựa Việt Nam.
Minh YếnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.