Hiệp hội Thép: Nếu tăng thuế xuất khẩu phôi thép và giảm thuế nhập khẩu thép thành phẩm, một số nhà sản xuất thép trong nước có thể phá sản
Do đó quan điểm của VSA là Chính phủ cần có chính sách nhất quán để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Hiệp hội Thép Việt Nam vừa có văn bản trả lời Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020. Theo đó, VSA và các nhà sản xuất thép Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép (mã HS 7206, 7207) và không giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng thép thành phẩm (mã HSC 7213, 7214, 7215, 7216 và 7210).
Theo VSA, phương án đề xuất điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng sắt thép của Bộ Tài chính, VSA nhận thấy chưa phù hợp với thực trạng ngành sản xuất thép trong nước hiện nay.
Lý do là kể từ đợt dịch bắt đầu bùng phát cuối tháng 4/2021 đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15,16 của Chính phủ. Vì vậy, công tác xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, tình hình tiêu thụ thép trong nước đã giảm mạnh. Cụ thể, bán hàng thép thành phẩm trong nước tháng 6/2021 đã giảm 20% so với tháng 5 và chỉ tăng 1% so với cùng kỳ 2020, nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì bán hàng nội địa giảm lần lượt 28% và 22%.
Tính chung 6 tháng 2021, tăng trưởng của ngành thép (bán hàng thép thành phẩm trong nước tăng 18% trong khi xuất khẩu tăng trưởng 66% (nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng) là kế thừa nỗ lực không ngừng của ngành thép trong năm 2020. Theo VSA, xuất khẩu thép hiện tại là hướng mở rộng thị trường để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho lao động của nhà máy, giữ vững phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp và đất nước trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh diễn biến rất phức tạp.
Trong 10 năm trở lại đây, xu hướng bảo hộ ngành thép gia tăng trên toàn thế giới ngay tại các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản..để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Theo VSA, ngành thép Việt Nam đang từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại hoá để cải thiện sức cạnh tranh của ngành thép. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thép trong nước sẽ làm thép từ bên ngoài tràn vào, đe doạ hoạt động sản xuất của các DN trong nước vốn đang rất khó khăn.
Theo VSA, với các FTA Việt Nam đã, đang và sẽ ký với các quốc gia và khu vực đã là một thách thức với ngành thép Việt Nam, đặc biệt với các khối như CPTTP hay RCEP là những khu vực có các cường quốc sản xuất thép như Trung Quốc, Nhật Bản..do đó việc điều chỉnh thuế như dự thảo sẽ làm gia tăng khó khăn cho các nhà sản xuất thép trong nước.
Hơn nữa, chính sách thuế xuất nhập khẩu nói chung và thuế xuất khẩu thép là những chính sách dài hạn góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước trong đó có ngành thép, cũng như các ngành kinh tế trong nước phát triển bền vững chứ không phải là một giải pháp ngắn hạn trước mắt để xử lý các hiện tượng tăng giảm của thị trường nhất thời.
Xuất khẩu thép của Việt Nam đang là một trong những ngành thu hút ngoại tệ hàng năm cho đất nước (6 tháng 2021 thu về 4,9 tỷ USD, năm 2020 thu 6,1 tỷ USD), góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động cả nước.
Do đó quan điểm của VSA là Chính phủ cần có chính sách nhất quán để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Giá thép bắt đầu giảm
Trước diễn biến giá thép thời gian qua, VSA đã báo cáo Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về nguyên nhân tăng giá thép do thị trường nguyên liệu thế giới biến động và không phải do tác động của các chính sách thuế cũng như các chính sách phòng vệ thương mại được áp dụng đối với các sản phẩm thép.
Theo dữ liệu của VSA, Trung Quốc hiện đang chi phối hoàn toàn giá quặng thế giới với 70% lượng quặng nhập đường biển toàn cầu. Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nhằm phục hồi sau Covid-19 do đó các nhà sản xuất Trung Quốc đang tích cực dự trữ, nhập nguyên vật liệu cho sản xuất. Ngoài ra do căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Australia cũng góp phần đẩy giá quặng sắt tăng…Để phục vụ sản xuất ổn định, doanh nghiệp thép trong nước phải chấp nhận mua giá nguyên liệu cao để đảm bảo sản xuất liên tục, cung ứng hàng hoá cho thị trường. Giá bán thành phẩm cân đối theo thị trường thế giới. Theo VSA, đây là quy luật cung cầu, thực tế giá thép thế giới đã quay đầu giảm liên tục từ cuối tháng 5/2021.
Tại thị trường trong nước, giá thép thành phẩm đang giảm từng ngày, thấp hơn so với các nước khác trong khu vực và thế giới. Và tương lai giá thép trong nước vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi giá thị trường thế giới. Nếu áp dụng chính sách thuế mới sẽ làm tăng áp lực tồn tại với các nhà sản xuất thép trong nước, một số nhà sản xuất thép có thể phá sản nếu chính sách mới được áp dụng.
Ngành thép hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và dư để xuất khẩu
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.