Hiệp thương, giới thiệu người ứng cử gồm những bước nào?

Chính trị - xã hội
03:19 PM 14/05/2021

Tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là một giai đoạn quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được tiến hành qua 5 bước.

Hội nghị hiệp thương là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở Trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Hội nghị hiệp thương ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì;

Hội nghị hiệp thương ở địa phương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp triệu tập và chủ trì để thực hiện công việc của Hội nghị hiệp thương ở cấp mình.

Để đảm bảo dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; Hội nghị hiệp thương lần thứ hai; Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

Hiệp thương, giới thiệu người ứng cử gồm những bước nào? - Ảnh 1.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được tiến hành thông qua 05 bước cụ thể như sau:

1. Hiệp thương lần thứ nhất

Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử.

2. Giới thiệu người ứng cử

Cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp

3. Hiệp thương lần thứ hai

Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

4. Lấy ý kiến cử tri nơi cư trú

Tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và ở nơi công tác hoặc làm việc (nếu có) đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

5. Hiệp thương lần thứ ba

Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc họi, đại biểu HĐND.

Nguồn: Sách "Hỏi – Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026".

P. Thủy (TH)
Ý kiến của bạn