Hiệu quả bước đầu từ triển khai thí điểm học bạ số tại Thanh Hóa
Triển khai thí điểm học bạ số ở bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng HBS làm cơ sở để triển khai HBS thống nhất toàn tỉnh. Nội dung này được thực hiện theo Kế hoạch 213/KH-BGDĐT ngày 1/3/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đã có những tín hiệu tích cực.
Học bạ số là học bạ đã được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền. Học bạ số có nhiều ưu điểm, đó là bảo đảm lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện... Từ năm học 2023 - 2024, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thí điểm học bạ số ở khối lớp 1. Năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa sẽ triển khai học bạ số ở tất cả các khối lớp bậc tiểu học. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện quy trình quản lý, sử dụng học bạ số ở tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh.
Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, Học bạ số sẽ được thí điểm đối với cấp tiểu học, sử dụng dữ liệu lớp 1 năm học 2023-2024 và 100% đơn vị huyện, thị, thành phố sẽ tham gia chương trình thí điểm. Việc triển khai cổng cơ sở dữ liệu Học bạ số được xem là nền tảng để các cơ quan, tổ chức, người dùng có cơ hội làm quen và sử dụng dịch vụ giáo dục số.
Đến thời điểm này, VNPT Thanh Hóa đã tiến hành tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số; quy trình thực hiện Học bạ số, ký số, đóng gói và phát hành, lưu trữ học bạ; Kết nối, trao đổi dữ liệu Học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT, cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời, cử các cán bộ chuyên trách theo sát và hỗ trợ các bên, phối hợp bàn giao tài khoản duyệt học bạ số cho Phòng GD&ĐT.
Đến nay, 100% trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo; 100% hồ sơ học sinh được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số. Phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh đã thành thạo việc nhập thông tin, thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh vào sổ liên lạc điện tử, học bạ số trên phần mềm quản lý giáo dục Việt Nam và sổ liên lạc điện tử. Hằng tháng, giáo viên cập nhật thông tin, gửi nhận xét tình hình học tập, rèn luyện của học sinh. Phụ huynh có thể truy cập phần mềm để nắm bắt, từ đó phối hợp với nhà trường, giáo viên quản lý, giáo dục các em kịp thời.
Tại trường Tiểu học Đông Vệ 2, năm học 2024-2025, nhà trường đã triển khai học bạ số ở 100% các khối lớp. Thời gian đầu triển khai, cán bộ, giáo viên của nhà trường gặp một số khó khăn trong việc ứng dụng các phần mềm công nghệ. Tuy nhiên, nhà trường đã chủ động khắc phục khó khăn, vướng mắc, đến nay, 100% giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường đã sử dụng thành thạo học bạ số. Cơ sở vật chất, đường truyền, đường mạng cũng được tăng cường đầu tư.
Học bạ số là học bạ đã được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 351 trong tổng số 592 trường tiểu học thí điểm sử dụng học bạ số. Đối với các trường học, phần mềm học bạ số giúp tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc quản lý học bạ giấy thủ công do không phải in ấn. Giáo viên cũng được giảm bớt áp lực từ việc ghi chép, tính toán kết quả và ký tay, thay vào đó có thể nhanh chóng điều chỉnh thông tin nếu có sai sót và thực hiện ký số hàng loạt. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể dễ dàng tra cứu kết quả học tập của con em mình.
Tại huyện Vĩnh Lộc, bậc TH cũng đang sử dụng phần mềm quản trị VnEdu của VNPT. Đối với trang thiết bị, các nhà trường có đầy đủ phòng máy, đường truyền Internet,... tại Trường TH thị trấn Vĩnh Lộc, tập thể cán bộ, giáo viên rất hào hứng khi thực hiện học bạ số bởi những ưu điểm của nó.
Theo cô Đỗ Thị Ca, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Với học bạ số ưu điểm lớn nhất là hiệu quả trong theo dõi, thống kê, đánh giá của giáo viên, học sinh một cách nhanh chóng, chính xác và minh bạch; nâng cao hiệu quả giảng dạy, loại bỏ sai sót ghi chép thủ công, tránh mất mát dữ liệu, tăng cường tương tác, dữ liệu học bạ được cập nhật thường xuyên....
Thực tế cho thấy, việc sử dụng học bạ số đã giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong quản lý và tiết kiệm được nhiều thời gian cho giáo viên. Dù vậy, một số địa phương gặp khó khăn như cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều thiếu thốn, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, đội ngũ giáo viên hạn chế về kỹ năng sử dụng các phần mềm. Đặc biệt, hồ sơ, học bạ của học sinh mới dừng ở mức độ tin học hóa, chưa thật sự trở thành hồ sơ, học bạ điện tử do thiếu quy định đồng bộ trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Vì vậy, việc thống nhất liên thông dữ liệu của địa phương với cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thực hiện chuyển đổi số.
Để đạt được hiệu quả cao hơn nữa, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp giải pháp học bạ số trong việc rà soát, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp triển khai thí điểm học bạ số. Các cơ sở giáo dục đang chủ động liên hệ các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số được cấp phép bởi Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm trang bị chữ ký số cho cá nhân, phục vụ công tác chuyên môn; hỗ trợ để các trường triển khai phần mềm đúng tiến độ. Các địa phương thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình triển khai thí điểm học bạ số; qua thí điểm, cần hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp, đúng thẩm quyền…
Yến HoàngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.