Hiệu quả chính sách chi trả DVMTR tại Lào Cai: Dân có thu nhập, rừng được phủ xanh

Địa phương
07:01 PM 22/03/2022

Những năm gần đây, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chủ rừng từng bước được nâng cao; các cơ quan, tổ chức trong tỉnh Lào Cai quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn. Đặc biệt, chính sách đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 và Lào Cai được chọn là 1 trong 6 tỉnh thí điểm mở rộng đối tượng thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, cá nước lạnh và du lịch. Nguồn dịch vụ môi trường rừng có ý nghĩa đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa chủ rừng, chính quyền địa phương và người dân trong công tác bảo vệ rừng, từng bước ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì tỷ lệ che phủ, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Lào Cai: Dân có thu nhập, rừng được phủ xanh - Ảnh 1.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện đã giúp nhiều nông dân trồng rừng có thêm nguồn thu nhập (Ảnh: Baolaocai)

Từ năm 2012 đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thu tiền dịch vụ môi trường rừng khoảng 72,2 tỷ đồng/năm. Trung bình mỗi năm, hơn 1.800 chủ rừng là người dân ở các địa phương được hưởng khoảng 110 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, đó là nguồn lợi lớn, tạo thêm sinh kế và thu nhập cho người bảo vệ rừng, góp phần tăng độ che phủ đạt 58% và chất lượng rừng ngày càng cao hơn. Ngoài ra, để công khai, minh bạch và giảm thủ tục hành chính, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đến các chủ rừng được áp dụng hình thức thông qua bưu điện với chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình và qua tài khoản ngân hàng đối với các chủ rừng là tổ chức.

Hiện nay, Lào Cai đã áp dụng hệ số K, xác định diện tích rừng chi trả DVMTR hằng năm; xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, hướng dẫn UBND cấp xã kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Xây dựng quy chế phối hợp, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Lào Cai: Dân có thu nhập, rừng được phủ xanh - Ảnh 2.

Diện tích rừng của tỉnh Lào Cai được bảo vệ và mở rộng nhờ vào chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Có thể khẳng định, sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao rõ nét; nhân dân tích cực tham gia công tác tuần tra, kiểm tra rừng, PCCCR… Số vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng hàng năm giảm đáng kể.

Từ những kết quả và kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR thời gian vừa qua, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh, các sở, ngành và địa phương, đơn vị liên quan đặt mục tiêu số thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt 700 tỷ đồng, mức thu trung bình đạt 140 tỷ đồng/năm; thu và chi dự kiến 1.500 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, tiếp tục hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư và người dân sống gần rừng.

Diệu Ly
Ý kiến của bạn
Quy mô kinh tế Việt Nam có thể vượt qua Singapore vào năm 2029 Quy mô kinh tế Việt Nam có thể vượt qua Singapore vào năm 2029

Theo Trung tâm Dự báo và Phân tích Kinh tế Độc lập (CEBR), với tốc độ phát triển nhanh, dự báo quy mô GDP của Việt Nam sẽ sớm vượt Singapore. Đặc biệt, năm 2025 có thể đánh dấu cột mốc Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.