Hiệu ứng tỷ đô: Câu chuyện về cú chuyển mình ngoạn mục của tỉnh Thái Nguyên từ khi có Samsung

Đầu tư và Tiếp thị
08:35 PM 24/02/2022

Thái Nguyên là địa phương thay da đổi thịt nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, trong số đó có sự hiện diện của đại gia Samsung (Hàn Quốc).

Hơn chục năm về trước, xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường toàn cầu, Samsung muốn mở rộng quy mô và đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam. Trong 5 năm đầu có mặt tại Việt Nam, Bắc Ninh là địa điểm Samsung tập trung đầu tư và đã gặt hái được nhiều thành công. Đến năm 2013, sau quá trình khảo sát tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam, Tập đoàn quyết định lựa chọn Thái Nguyên để đầu tư 5 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới và 1,23 tỷ USD cho Samsung Electro-Mechanics SEMV.

Chỉ sau một năm đi vào triển khai, vào năm 2014, những sản phẩm điện tử đầu tiên của Samsung sản xuất tại Thái Nguyên đã được xuất xưởng ra thị trường. Cũng ngay trong năm đó, hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên đã tăng mạnh từ vài trăm triệu USD/năm lên hàng chục tỷ USD, đưa Thái Nguyên ngoạn mục lọt top các địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Liên tiếp các năm sau đó, Samsung thực hiện cam kết tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Sau 7 năm quyết định đầu tư, tính đến năm 2020, tổng vốn giải ngân của Samsung tại Thái Nguyên đạt trên 6,5 tỷ USD, tương đương 149 nghìn tỷ đồng. Mới đây, ngày 16/2/2022, Samsung còn đầu tư thêm 920 triệu USD vào Nhà máy Samsung Electro-Mechanics tại Thái Nguyên.

Có thể nói, với quy mô đầu tư, phạm vi triển khai dự án và quy mô lao động, Tập đoàn Samsung không chỉ giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam mà còn là nhà đầu tư lớn nhất tại Thái Nguyên. Với vị thế như vậy, Samsung đã có những tác động mạnh mẽ, tích cực đối với kinh tế - xã hội của tỉnh trên nhiều phương diện.

Hiệu ứng tỷ đô: Câu chuyện về cú chuyển mình ngoạn mục của tỉnh Thái Nguyên từ khi có Samsung - Ảnh 1.

Thứ nhất, việc Samsung đến với Thái Nguyên đã tạo ra một dòng vốn FDI chưa từng có. Theo số liệu của Niên giám Thống kê, nếu như trong giai đoạn 2000 - 2012, cả tỉnh chỉ có 36 doanh nghiệp FDI được cấp phép với tổng vốn thực hiện 210 triệu USD, thì trong giai đoạn 2013 - 2020, con số này đã tăng lên lần lượt 163 doanh nghiệp và hơn 7,5 tỷ USD. 

So với giai đoạn chưa có Samsung, tỉnh đã ghi nhận mức tăng hơn 4 lần về số lượng và 36 lần về tổng vốn. Lũy kế tính đến hết năm 2021, tỉnh thu hút 8,8 tỷ USD vốn đầu tư FDI.

Một lý do giải thích cho mức tăng trưởng ngoạn mục trên là việc Samsung đến Thái Nguyên đã kéo theo nhiều nhà cung ứng, đặc biệt là các nhà đầu tư phụ trợ theo chuỗi giá trị đến từ Hàn Quốc. Theo thống kê cho thấy, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, có tổng 92 doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là các nhà cung cấp của Samsung đến với Thái Nguyên.

Tiếp theo, sau khi có Samsung, Thái Nguyên đã vươn lên top đầu trong các địa phương có giá trị xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu từ khi Samsung đầu tư vào tỉnh đến năm 2021 đạt gần 160 tỷ USD. Kết quả, tỉnh đã vươn lên đứng thứ nhất trong vùng trung du và miền núi phía Bắc về giá trị xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, Samsung và các đơn vị phụ trợ đầu tư vào Thái Nguyên tạo ra mức tăng trưởng vượt bậc trong kinh tế. Sự thay đổi được tạo ra ngay trong những năm đầu Samsung đến với Thái Nguyên. Cụ thể, năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 29,6%; năm 2015 tăng lên 33,2%, góp phần vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2015. 

Nhìn chung, GRDP bình quân của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2013 - 2021 đạt 14,2%/năm; tăng gấp gần 7 lần so với mức 2,14%/năm trong giai đoạn 2000 - 2012. Một điểm nổi bật khác trong phát triển kinh tế tỉnh đó là cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rất nhanh, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp do giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao trong những năm trở lại đây. 

Hiệu ứng tỷ đô: Câu chuyện về cú chuyển mình ngoạn mục của tỉnh Thái Nguyên từ khi có Samsung - Ảnh 2.

Về vấn đề xã hội, Samsung đã đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và các tỉnh lân cận. Cụ thể năm 2020, con số này là trên 65.491 người; trong đó khoảng hơn 1/3 là lao động người Thái Nguyên. Thu nhập bình quân đầu người theo đó cũng có sự cải thiện đáng kể.

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của đại dịch Covid-19, Thái Nguyên vẫn vươn lên nằm trong Top 10 địa phương có thu nhập bình quân lao động trong doanh nghiệp cao nhất cả nước, đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức bình quân chung cả nước (9,3 triệu đồng/người/tháng). Đặc biệt, tỉnh còn thuộc nhóm 6/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 trên 9 triệu đồng.

Bên cạnh đó, bộ mặt các đô thị Thái Nguyên cũng ngày càng thay đổi. Các tuyến đường cao tốc, tuyến đường nối từ thành phố về các huyện được đầu tư xây mới, nâng cấp, tạo sự kết nối góp phần thúc đẩy kinh tế. Một số ví dụ bao gồm đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Thái Nguyên - Chợ Mới, dự án tuyến đường nối ĐT261 - ĐT266… Đây đều là những tuyến đường quan trọng, giúp tỉnh kết nối dễ dàng hơn với các khu công nghiệp, các tỉnh thành lân cận.

Hoàng Anh
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.