Hitachi ngỏ ý xây đường sắt ở Việt Nam

Đầu tư và Tiếp thị
03:07 PM 24/11/2021

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11, Chủ tịch Tập đoàn Hitachi đã đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xem xét để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt.

Hitachi ngỏ ý xây đường sắt ở Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế, trường đại học của Nhật Bản đang và có ý định đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như giao thông, bất động sản, năng lượng, y tế, giáo dục...

Theo đó, vào sáng 24/11, ông Higashihara Toshiaki, Chủ tịch Tập đoàn Hitachi, đã đề xuất Thủ tướng Phạm Minh Chính xem xét để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam như các dự án về môi trường, y tế, giảm thiệt hại thiên tai và đơn vị này đặc biệt mong muốn tham gia đầu tư trong lĩnh vực đường sắt.

Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết cũng đang cần phát triển lĩnh vực mà Hitachi quan tâm, nhất là về giao thông nên đồng ý về mặt chủ trương. Ông đề nghị tập đoàn làm việc với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để tìm hiểu, đầu tư. Ông cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, sau đó sẽ thông báo tìm đối tác, trong đó có Hitachi xem xét, đầu tư.

Trước mắt đề nghị Hitachi nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt đoạn TP HCM – Cần Thơ, sau đó rút kinh nghiệm mở rộng ra các tuyến khác. 

"Việc đầu tư có thể theo hình thức đối tác công tư (PPP); mong các bên bắt tay ngay vào công việc", Thủ tướng nói.

Hitachi ngỏ ý xây đường sắt ở Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Higashihara Toshiaki, Chủ tịch Tập đoàn Hitachi.

Sớm hợp tác với đại học hàng đầu Nhật Bản để xây dựng thành phố thông minh 

Cùng ngày, Thủ tướng cũng đã gặp gỡ lãnh đạo của hai trường đại học lớn tại Nhật Bản là Đại học Waseda và Đại học Hiroshima.

Tiếp Phó Hiệu trưởng phụ trách Đối ngoại của Đại học Hiroshima, ông Shinji Kaneko, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đang ưu tiên chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch, chuyển đổi số, xây dựng các thành phố thông minh, nên rất cần các nhân lực chất lượng cao trong những ngành này. Đây cũng là thế mạnh của các trường đại học của Nhật Bản nói chung và Đại học Hiroshima nói riêng.

Lãnh đạo Đại học Hiroshima cho biết thế mạnh của trường là nghiên cứu và thử nghiệm các dự án tự động hoá, áp dụng trong chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải. Đặc biệt, đây là đơn vị hàng đầu trong xuất khẩu các dự án, mô hình thành phố thông minh. Nhà trường có những liên kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp lớn như Shumitomo, Daikin và có nhiều giáo sư là người Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ ủng hộ Đại học Hiroshima và mong muốn sớm có một hoạt động hợp tác để xây dựng thí điểm thành phố thông minh ở Việt Nam bởi đây là ưu tiên của Việt Nam trong phát triển đô thị. Cùng với đó, trường có thể làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm hợp tác thí điểm về vấn đề quản trị công theo kinh nghiệm Nhật Bản; hợp tác tuyển sinh, đào tạo với các đại học của Việt Nam.

"Vạn sự khởi đầu nan nhưng đây là thời điểm rất tốt, quan hệ hai nước vô cùng thuận lợi để nâng cao hợp tác thực chất hơn nữa", Thủ tướng chia sẻ với lãnh đạo các đại học của Nhật Bản.

Giang Anh
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.