Hồ sơ sức khỏe điện tử Hà Nội: Bước đột phá trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân

Địa phương
10:24 AM 26/06/2024

Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được UBND TP.Hà Nội ra mắt, vận hành từ ngày 28/6 sẽ có nhiều tiện ích cho người dân và cả các bác sĩ, thầy thuốc... Kể từ nay, mỗi người dân Hà Nội sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử được theo dõi và lưu trữ suốt đời.

Thông tin từ Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, Hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội (Tên: EHR - Electric Health Record) là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.

Hồ sơ sức khỏe điện tử ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội từ lúc sinh ra cho đến mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế.

Hồ sơ sức khỏe điện tử Hà Nội: Bước đột phá trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân- Ảnh 1.

Hồ sơ sức khỏe điện tử là bước đột phá trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân của TP Hà Nội

Mỗi người dân Hà Nội có một hồ sơ sức khỏe điện tử được theo dõi và lưu trữ suốt đời, quản lý toàn bộ xuyên suốt các hoạt động liên quan đến sức khỏe người dân; hồ sơ sức khỏe điện tử được bảo mật, chỉ có những người có liên quan được tiếp cận thông tin; người dân có quyền quyết định chia sẻ hay không chia sẻ các thông tin cá nhân trong hồ sơ sức khỏe.

Từ Hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân sinh sống trên địa bàn Thành phố Hà Nội có thể quản lý sức khỏe cá nhân của bản thân và gia đình trên Sổ sức khỏe điện tử được chia sẻ trên ứng dụng iHanoi hướng tới phục vụ hỗ trợ người dân trong quá trình thăm khám, điều trị và dự phòng bệnh.

Hệ thống triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử gồm 4 phân hệ chính. Nhóm 1, Phân hệ Thu thập số liệu và triển khai công cụ thu thập dữ liệu khám chữa bệnh của người dân từ các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố Hà nội và dữ liệu tiêm chủng (tiêm chủng mở rộng/tiêm chủng Covid19) của người dân sinh sống trên địa bàn;

Nhóm 2, Phân hệ Phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử: Triển khai Phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử cho cán bộ y tế các tuyến phục vụ quản lý, theo dõi, cập nhật, giám sát thông tin sức khỏe người dân; Kết nối với các CSDL quốc gia như Dân cư;

Nhóm 3, Phân hệ Phần mềm Khai thác dữ liệu sức khỏe: Triển khai hệ thống Dashboard phục vụ phân tích và báo cáo cho Sở y tế và các Trung tâm Y tế Quận/huyện/thị xã về số liệu hồ sơ sức khỏe điện tử;

Nhóm 4, Chia sẻ dữ liệu: Chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân cho ứng dụng người dân iHanoi.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai tiếp các mô hình phân tích, đánh giá, mô hình bệnh tật nhằm đánh giá xu hướng, tình hình mắc bệnh trên địa bàn thành phố, đồng thời nghiên cứu tích hợp các công nghệ lớn như BigData, AI vào hệ thống, nghiên cứu phương án chia sẻ thông tin sức khỏe người dân lên trung tâm điều hành Y tế thông minh, Trung tâm điều hành của Thành phố Hà nội.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục nâng cấp API chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân và tiếp nhận thông tin người dân khai báo từ Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng iHaNoi, nhằm hỗ trợ người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử quản lý toàn bộ sức khỏe gia đình, phục vụ công tác khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh khi sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên iHaNoi. Kết nối với Cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội để tiếp nhận dữ liệu sức khỏe người dân Hà Nội đi khám bảo hiểm Y tế...

Việc thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử, UBND TP Hà Nội khẳng định mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, người dân/ bệnh nhân sẽ thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy bằng Sổ sức khoẻ điện tử.

Mỗi người dân sẽ có một quyển Sổ sức khoẻ điện tử trọn đời, từ đó người dân đi khám/đi tiêm chủng tại bất kỳ đâu không còn phải mang theo nhiều giấy tờ thông tin khám, điều trị, tiêm chủng trước đó. Người dân sẽ biết và tự quản lý, cập nhật thông tin sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình (bố mẹ, con cái…).

Người dân cũng có thể chủ động tự đánh giá yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân và cập nhật dữ liệu y tế cơ bản của bản thân, người thân (cân nặng, chiều cao, huyết áp, nhiệt độ,…) để người dân có thể chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân; Được tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và tư vấn điều trị với người mắc bệnh mạn tính.

Mô hình này cũng hướng tới kết nối với mô hình Khám chữa bệnh từ xa để người dân có thể chủ động tìm kiếm kết nối, tương tác trực tuyến với bệnh viện, bác sĩ khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.

Mô hình này cũng mang lại những thuận tiện cho Bác sĩ/Thầy thuốc khi cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi người bệnh đến khám giảm thời gian thăm khám, điều trị.

Bác sĩ có thể tra cứu kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, đơn thuốc, tiền sử người bệnh trong các lần thăm khám trước đó khi được sự đồng ý của người bệnh...

Huyền My
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.