Hỗ trợ người lao động giữa tâm dịch
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương với hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày. Việc giãn cách xã hội nhiều tháng nay, khiến nhiều công nhân lao động rơi vào tình trạng thiếu thốn đủ bề, về quê không được, còn sống tại thành phố thì rất khó khăn.
Trăm thứ phải lo
Đã 2 tháng nay, gia đình chị Đỗ Minh Thái phải tằn tiện chi tiêu để cố gắng "bám trụ" lại thành phố. Chị Thái là giáo viên mầm non tại quận 12. Vợ chồng chị đang trọ tại quận Gò Vấp, TP HCM. Vì giãn cách xã hội nên công việc của hai vợ chồng đều phải ngưng, tiền tích lũy cũng mang ra tiêu sạch trong 2 tháng nay. Hiện tại, vợ chồng anh chị đành vay mượn họ hàng ở quê chút tiền hoặc nhờ vào hỗ trợ thực phẩm từ chính quyền để sống qua mùa dịch.
"Những tháng trước chúng tôi đều đóng đủ 1,5 triệu tiền phòng/tháng, còn tháng 8 này cô chủ nhà nói có giảm cho mấy trăm ngàn. Nghe vậy chúng tôi mừng lắm. Chồng tôi làm thợ hồ, hôm trước nghe tin được hỗ trợ, hai vợ chồng cũng đinh ninh có thêm khoản thu nhập để mua sữa, nuôi con mùa dịch", chị Thái tâm sự.
Người lao động tại các doanh nghiệp đang là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh do mất việc. Ảnh minh họa
Còn đối với gia đình chị Vũ Thị Tuyết, 2 vợ chồng chị từ Quảng Ngãi vào Bình Dương làm việc nhiều năm nay. Anh chị có 2 con, bé lớn 2 tuổi và bé nhỏ 3 tháng tuổi. Từ ngày có em bé, chị Tuyết phải nghỉ việc ở nhà trông con, chồng chị làm phu hồ cũng phải nghỉ dịch, không có nguồn thu.
"3 tháng qua chị Tuyết phải chạy lo từng bữa ăn từ tiền vay mượn, may mắn chủ trọ thông cảm nên cho chị nợ tiền phòng, lâu lâu cũng cho ít cá, ít gạo", chị tâm sự.
Tương tự như gia đình chị Thái, chị Tuyết, nhiều công nhân, người lao động hiện nay đều thấy mệt mỏi vì nghỉ dịch quá lâu. Áp lực nhất là không có tiền để trang trải cuộc sống, mọi chi tiêu đều cần đến tiền. Vậy mà nghỉ dịch , thất nghiệp liền 3 tháng, người lao động bắt đầu kiệt sức khi phải gồng gánh tiền thuê nhà và trăm thứ khoản chi tiêu khác.
Vì sức khỏe, đời sống người lao động
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Mục tiêu nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Nghị quyết nêu rõ, nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 Mục II Nghị quyết này) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia….
Tính đến ngày 18/7/2021, TPHCM có 235.932 người lao động tự do, chiếm 99,36% tổng số người lao động tự do. Trong thời gian qua, TP HCM đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người dân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Riêng Công đoàn TP HCM đã nhận hàng trăm tấn hàng hóa và chuyển thẳng đến cho công nhân các khu nhà trọ, doanh nghiệp thực hiện "ba tại chỗ".
Trước những khó khăn của người lao động, TP HCM đã, đang vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền nhà trọ cho công nhân, lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Đồng thời về tiền điện cũng được giảm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Còn tiền nước, Chủ tịch TP HCM đã chỉ đạo công ty cấp nước giảm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội.
Tại Bình Dương, theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, nhằm kịp thời chia sẻ, động viên về vật chất cũng như tinh thần cho đoàn viên, NLĐ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ 4, LĐLĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở sớm triển khai kế hoạch chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên và NLĐ bị ảnh hưởng.
Cán bộ Công đoàn Bình Dương chuẩn bị quà hỗ trợ cho công nhân khu cách ly trên địa bàn phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên)
Theo đó, mức hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch tối đa là 3 triệu đồng/người; đoàn viên, NLĐ (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí Công đoàn) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch, mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người; đoàn viên, NLĐ có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ đang mang thai, NLĐ nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.
Hiện nay, các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ đến với người lao động.
Có thể nói , làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4 gây ra bao đau thương, mất mát, cùng với sự hy sinh, gồng mình từng phút giây của những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, chúng ta cũng hiểu hơn về những giá trị tốt đẹp của tinh thần đoàn kết, của tình người và cả trách nhiệm đối với cộng đồng, với đất nước. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc" thì tình đoàn kết sẽ là sức mạnh để chúng ta chiến thắng được dịch bệnh, sự sẻ chia, tương thân, tương ái sẽ là là động lực để chúng ta cùng nhau vượt qua giai đoạn, đẩy lùi dịch bệnh.
Trương HưngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.