Hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp công nghệ cao
Chính phủ vừa ban hành nghị định cho phép hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp có dự án R&D công nghiệp bán dẫn và AI.
Chính phủ mới ban hành Nghị định 182/2024 quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ Hỗ trợ đầu tư. Theo đó, quỹ này là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của quỹ. Nhiệm vụ là tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác và chi hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp, dự án được hỗ trợ chi phí bằng đồng Việt Nam và được chi hỗ trợ tối đa 5 năm, trừ trường hợp được kéo dài thêm thời gian áp dụng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Để được hỗ trợ chi phí ban đầu, doanh nghiệp phải không có nợ thuế, nợ ngân sách. Dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng phải có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước.
Một điều kiện khác là dự án Trung tâm R&D của doanh nghiệp phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên và có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và phải giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm từ ngày được cấp quyết định đầu tư.
Ngoài các "đại bàng" bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) được hỗ trợ riêng về chi phí đầu tư ban đầu, các doanh nghiệp công nghệ khác cũng được nhiều hỗ trợ chung. Đối tượng được hưởng hỗ trợ chung bao gồm doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Các hỗ trợ này bao gồm chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội; các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.
Trước khi có nghị định này, Việt Nam từng hụt nhiều dự án đầu tư tỷ USD từ các "đại bàng" toàn cầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng chỉ ra chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa tương thích với bối cảnh mới với sự ra đời của Thuế Tối thiểu toàn cầu, một sáng kiến để tăng cường các hoạt động đa phương. Cụ thể, chính sách chưa đa dạng, chỉ dựa vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế), ưu đãi tiền thuê đất, chưa có ưu đãi dựa trên chi phí.
Trong một báo cáo năm 2024 về xây dựng nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhiều tập đoàn lớn đã khảo sát nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam nhưng vì chưa có quy định cụ thể nên họ chuyển sang quốc gia khác.
Huyền My (t/h)Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí và có các động lực để trở thành một nền kinh tế "con hổ" khu vực châu Á. Nhưng để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.