Hòa Bình: Cần sớm trả lại quyền lợi BHXH cho người lao động
Hơn 30 năm nay, bà Bùi Thị Phượng 69 tuổi, trú tại số nhà 3, tổ 2, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình (Hòa Bình) nguyên là cô nuôi dạy trẻ thuộc Phòng Giáo dục thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) nhiều lần làm đơn khiếu nại Quyết định số 641/QĐ/UB ngày 17/2/1990 của UBND TP Hòa Bình. Theo đó, bà cho rằng UBND tỉnh này buộc bà thôi việc không đúng quy định của pháp luật.
Bà Phượng cho hay, theo hồ sơ lý lịch, quá trình công tác của bà Bùi Thị Phượng đều thể hiện rõ: Năm 1968 chưa đầy 16 tuổi, bà Phượng đã thoát ly đi công tác, làm việc tại Nông trường quốc doanh Quân Chu, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Đến tháng 01/1977, bà chuyển công tác về Đoàn Khảo sát địa chất sông Đà, được phân công làm tổ trưởng Nhà trẻ Đoàn khảo sát, lương và các chế độ do Phòng Giáo dục TP Hòa Bình chi trả. Đến tháng 12/1985, bà lại được Phòng Giáo dục TP Hòa Bình điều động về làm Chủ nhiệm Nhà trẻ Mỳ sợi 19-5. Đến năm 1990, thời điểm nhà máy Mỳ sợi làm ăn khó khăn phải giải thể do đó nhà trẻ cũng không còn tồn tại. Bà Phượng đã báo cáo với Phòng Giáo dục TP Hòa Bình và chờ phân công công tác mới… Nhưng trớ trêu thay, ngày 17/12/1990, Phòng Giáo dục thông báo bà Bùi Thị Phượng đến nhận số tiền 836.000 đồng, kèm theo Quyết định 641/QĐ/UB, do UBND TP Hòa Bình ban hành về việc cho bà thôi việc. Quyết định ghi: "Thời gian công tác liên tục từ tháng 10/1971 tính đến ngày thôi việc được 18 năm 11 tháng…" và "Trợ cấp một lần 19 tháng lương".
Quyết định nói trên của UBND TP Hòa Bình căn cứ Công văn số 36/GD ngày 18/10/1990 của Trưởng phòng Giáo dục và đề nghị của Trưởng phòng Tổ chức - Lao động - Xã hội TP Hòa Bình về việc cho cán bộ công nhân thôi việc. UBND TP Hòa Bình còn căn cứ vào Nghị định 24/1963/NĐ-CP về việc quy định về độ tuổi cũng như điều kiện tuyển dụng lao động phải từ đủ 18 tuổi trở lên và căn cứ khoản 8, Mục II, Thông tư 13/NV ngày 04/09/1972 để không tính 3 năm công tác của bà Phượng tại nông trường Quân Chu khi bà ở trong độ tuổi từ năm 15 tuổi đến 18 tuổi.
"Việc ra quyết định cho tôi nghỉ việc hưởng trợ cấp 1 lần đã không đúng với các quy định của pháp luật mà UBND TP Hòa Bình còn cắt đi của tôi 3 năm công tác liên tục. Tôi đã có 22 năm 03 tháng công tác liên tục (nếu quy đổi là 25 năm), lẽ ra theo chế độ Nhà nước tôi phải được nghỉ hưu" - bà Phượng bức xúc trình bày với phóng viên.
Cho đến khi bài viết này được lên trang, UBND TP Hòa Bình cũng như Phòng Giáo dục TP Hòa Bình không cung cấp được cho bà Phượng, Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà - và người viết bài này bất kỳ một lá đơn xin nghỉ việc nào của bà Phượng. Các cơ quan chức năng nói trên cũng không cung cấp được bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy bà Phượng bị buộc thôi việc vì có vi phạm gì trong quá trình công tác. Như vậy, căn cứ vào đâu mà UBND TP Hòa Bình cho bà Phượng nghỉ việc?
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn, nếu tính cả quy đổi theo quy định tại Điều 1, Nghị định 236/HĐBT ngày 18/09/1985 và Khoản 2, Phần 1 về lương hưu Thông tư số 48/TBXH ngày 30/09/1985 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 236/HĐBT thì bà Phượng đã có gần 25 năm công tác liên tục. Cho dù vào thời điểm năm 1990, Nhà nước có chính sách sắp xếp lại lao động, tinh giản biên chế, khuyến khích người lao động nghỉ trước thời hạn thì bà vẫn được hưởng chế độ BHXH dẫu có thiếu tuổi hoặc chưa đủ năm công tác.
Cùng thời, có rất nhiều trường hợp tương tự, thậm chí có trường hợp còn kém tuổi bà Phượng nhưng vẫn được UBND TP Hòa Bình giải quyết cho hưởng chế độ hưu. Cụ thể, trường hợp bà Lê Thị Hợp khi về hưu mới được 45 tuổi và có thời gian công tác là 22 năm 2 tháng; bà Nguyễn Thị Hiển lúc về hưu mới được 40 tuổi và thời gian công tác là 22 năm 10 tháng; bà Nguyễn Thị Tưởng lúc về hưu mới có 37 tuổi, thời gian công tác là 25 năm 11 tháng (đã quy đổi).
Dư luận mong muốn UBND TP Hòa Bình, Sở Lao động - Thương binh và xã hội và Bảo hiểm xã hội tỉnh Hòa Bình sớm có câu trả lời: Tại sao bà Phượng lại lâm vào hoàn cảnh trớ trêu trên? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc trong các số sau.
Hoàng AnhTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.