Hòa Bình: Đẩy mạnh nhiều mô hình, dự án khuyến nông
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã bám sát chủ trương của Sở NN&PTNT, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông trọng điểm trên địa bàn, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
23 mô hình khuyến nông được triển khai liên tục, có kết quả khả thi
Đồng chí Đỗ Đức Trường - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình cho biết, trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông đã và đang thực hiện 23 mô hình khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn kinh phí phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Trong đó, chăn nuôi có 12 dự án, mô hình; Thủy sản có 1 mô hình; Trồng trọt có 07 mô hình; Lâm nghiệp có 3 mô hình.
Dự án"Xây dựng mô hình nuôi cá Lăng nha trong lồng tại vùng lòng hồ thủy điện Sơn La - Hòa Bình theo tiêu chuẩn VietGAP" với quy mô 350m3, 2 hộ tham gia được triển khai tại xã Bình Thanh và xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Mô hình được thực hiện từ tháng 6/2023, cá giống có trọng lượng 50g/con, đến nay cá có trọng lượng đạt 400 - 450g/con, tỷ lệ sống đạt 98%; cá sinh trưởng và phát triển tốt, không bị bệnh; 100% các hộ dân được chứng nhận VietGAP. Dự kiến mô hình sẽ được lan rộng trong thời gian tới.
Việc tập huấn đến từng hộ dân 3 mô hình "Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn bản địa an toàn sinh học và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học", "Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học" và"Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng lai đảm bảo an toàn sinh học" đã giúp các hộ tham gia nhận biết được cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc lợn theo đúng kỹ thuật. Nhận biết được các triệu chứng khi lợn bị bệnh, cách tiêm thuốc với từng loại bệnh.
Các hộ tham gia 10 mô hình trọng điểm đã được tập huấn, cấp giống, vật tư đầy đủ cho các hộ tham gia mô hình; tổ chức tập huấn xong cho các hộ ngoài mô hình; cán bộ phụ trách chỉ đạo thường xuyên kiểm tra theo dõi tiến độ thực hiện mô hình theo kế hoạch được phê duyệt. Hiện cây trồng vật nuôi phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh.
2 mô hình được triển khai từ nguồn kinh phí thuộc chương trình mục tiêu quốc gia như: "Chăn nuôi vịt thương phẩm theo hướng VietGAP" và "Chăn nuôi lợn sinh sản theo hướng VietGAP", vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh.
Trong năm 2023 đã có 7 chương trình, dự án phối hợp được triển khai đúng tiến độ theo hợp đồng ký kết. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống hiện trường hướng dẫn, cùng người dân chăm sóc cây, con theo đúng kỹ thuật đã được tập huấn.
Các hộ dân tham gia nhiệt tình, hăng hái; mô hình được chính quyền địa phương nhiệt tình ủng hộ như mô hình: "Trồng thâm canh chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP"; "Sản xuất đậu tương năng suất, chất lượng cao theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc"; "Phát triển vùng trồng rau trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP"; "Thâm canh cam giải vụ theo tiêu chuẩn VietGAP"; "Trồng, thâm canh một số cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP".
Chú trọng hoạt động đào tạo tập huấn, dạy nghề cho lao động nông thôn
Để các cán bộ cũng như các hộ tham gia có thêm kiến thức, kĩ năng trong việc triển khai các mô hình kinh tế mới cũng như chăm sóc cây trồng, vật nuôi, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan như Ủy ban nhân dân huyện Yên Thủy đào tạo 6 lớp với 134 học viên tham gia kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc ong lấy mật và kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho trâu bò.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 gồm 27 lớp với 810 học viên tham gia, thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Hiện các cán bộ phụ trách tiếp tục thực hiện giảng dạy, quản lý các lớp đào nghề theo đúng quy định.
Trung tâm cũng đã tổ chức 5 lớp tập huấn TOT nguồn kinh phí của tỉnh cho 190 học viên là cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia tổ chức lớp tập huấn "Marketing và liên kết thị trường cho nghề nuôi cá lòng bè trên sông hồ chứa" tại thành phố Hòa Bình. Với 40 người, trong đó có cán bộ khuyến nông tỉnh, cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện và học viên là nông dân các xã tham gia.
Phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tổ chức lớp tập huấn: "Kỹ thuật sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ" tại thành phố Hòa Bình, thành phần gồm 30 học viên. Trung tâm đã tổ chức thực hiện chuyến "Khảo sát học tập kinh nghiệm khuyến nông và một số mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết và thị trường tiêu thụ" với sự tham gia của 30 học viên là cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân trên địa bàn tỉnh.
"Qua khoá tập huấn, các học viên tham gia đã tiếp thu được các kiến thức mới và đúng kỹ thuật. Các học viên tham gia học tập hăng hái, nhiệt tình, được thực hành và thăm quan thực tế tại hiện trường. Qua đó các học viên tham gia lớp học đã có những kiến thức để vận dụng vào thực tế tại hộ gia đình và địa phương mình", Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình chia sẻ.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình thực hiện các nhiệm vụ như: Bám sát thực tế và sự chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất; Xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình mô hình, dự án nguồn Trung ương và các mô hình phối hợp theo đúng kế hoạch; Triển khai thực hiện công tác tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn kế hoạch năm 2024; Thực hiện tư vấn trực tiếp về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản cho các trang trại cũng như các hộ chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh... để từ đó đảm bảo sản xuất an toàn bền vững, liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là kết quả các mô hình, dự án khuyến nông của Trung ương và địa phương…
Việt DũngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.