Hòa Bình: Hơn 7500 lượt hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hòa Bình là địa chỉ tin cậy cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mang lại hiệu quả cao trong hoạt động tín dụng
Bám sát chỉ đạo cấp trên, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện toàn diện các mặt hoạt động, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, một số chỉ tiêu vượt mục tiêu nghị quyết của Ban đại diện tỉnh với kết quả sau:
Về công tác kế hoạch tín dụng, tính đến hết tháng 12/2023, tổng nguồn vốn hoàn thành 100% so với kế hoạch, tăng 15,1% so với cùng kỳ; Tổng dư nợ hoàn thành 99,7% kế hoạch tăng trưởng năm.
Cũng trong năm 2023, NHCSXH tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả gần 1.900 phiên giao dịch xã tại 151 xã/phường/thị trấn; phục vụ trên 43 ngàn lượt khách hàng đến trả nợ, nhận tiền vay, gửi tiền tiết kiệm và gần 40 ngàn lượt Tổ trưởng Tổ TK&VV, tổ chức CT-XH nhận ủy thác cấp xã đến giao dịch với NHCSXH nộp lãi, tiền gửi của tổ viên, thanh toán hoa hồng, phí ủy thác,…
Điều này cho thấy, NHCSXH tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là những xã thuộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn; hạn chế được tiêu cực phát sinh trong hoạt động cho vay ưu đãi.
Duy trì nghiêm túc hơn 1.800 cuộc giao ban giữa NHCSXH với các tổ chức Hội đoàn thể, tổ TK&VV để phổ biến chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và đánh giá kết quả hoạt động trong kỳ, triển khai nhiệm vụ kỳ tiếp theo. Niêm yết, công khai đầy đủ ngày giờ giao dịch, nội quy giao dịch, các chương trình tín dụng, quy trình cho vay, thủ tục giải quyết công việc... thông qua hệ thống bảng, biểu của NHCSXH... tạo điều kiện cho người dân dễ dàng nắm bắt chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi; thuận lợi cho công tác kiểm tra giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn của các cấp, các ngành, người dân.
Đồng chí Nguyễn Minh Hưng – Giám đốc NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho biết, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, năm 2023 đã giúp trên 4.239 lượt hộ nghèo, 3.316 lượt hộ cận nghèo, 1.767 lượt hộ mới thoát nghèo, 2.406 lượt khách hàng vùng khó khăn, 24 lượt người chấp hành xong án phạt tù vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tái hòa nhập cộng đồng; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 8.244 lao động; xây mới, mua nhà ở xã hội 108 căn hộ; giúp 152 học sinh, sinh viên vay vốn chi phí học tập; 112 lao động đi làm việc theo Hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.
Ngoài ra, còn xây dựng, nâng cấp 9.166 công trình nước sạch, 8.901 công trình vệ sinh tại vùng nông thôn. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 xuống còn 9,2%/20.306 hộ (giảm 3,09%/6.785 hộ so với đầu năm 2023), hộ cận nghèo xuốn còn 8,92%/19.692 hộ (giảm 1,11%/2.422 hộ so với đầu năm 2023), ngăn chặn nạn tín dụng đen; cải thiện, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Tiếp tục giữ vững thành tích
Trong năm 2024, NHCSXH tỉnh Hòa Bình phấn đấu nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH chiếm khoảng 10% số tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách năm 2024; dư nợ tăng trưởng 10% so với năm 2023; đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo việc làm năm 2024 của các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Giữ vững chất lượng tín dụng; có 100% đơn vị cấp xã có chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xếp loại tốt; phấn đấu không có Tổ Tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình, yếu.
NHCSXH tỉnh đề ra nhiệm vụ trong tâm là đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hiệu quả hoạt động giao dịch xã, phục vụ khách hàng; Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp huyện bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH năm 2023, làm cơ sở để NHCSXH Việt Nam chuyển nguồn vốn đối ứng cho vay chương trình hỗ trợ việc làm, vì hiện nay lao động thiếu hụt việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định còn rất lớn.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các hình thức gửi tiền nhàn dỗi của dân cư vào NHCSXH; chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, của địa phương (đối tượng thụ hưởng, quy trình thủ tục hồ sơ, trách nhiệm trả nợ,...) nhất là các chính sách tín dụng mới hoặc bổ sung, sửa đổi trên phương tiện thông tin đại chúng, cuộc họp giao ban, tiếp xúc hội viên... để người dân biết thực hiện, tự giác chấp hành và kiểm tra giám sát việc triển khai, thực thi chính sách tín dụng trên địa bàn, nhằm hạn chế sai sót, ngăn chặn các hành vi vi phạm, lợi dụng, trục lợi chính sách; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, các chính sách tín dụng xã hội của Chính phủ, của địa phương, dịch vụ Mobile Banking NHCSXH và công khai tại trụ sở, điểm giao dịch xã đến khách hàng để người dân biết thực hiện.
Việt DũngViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.