Hòa Bình: Vai trò của khuyến nông trong xây dựng Nông thôn mới

Địa phương
02:03 PM 26/09/2022

Trong Bộ tiêu chí Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới, công tác khuyến nông được đánh giá có vai trò quan trọng, liên quan trực tiếp đến các tiêu chí: Thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và tổ chức sản xuất. Với vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nông dân và thị trường.

Những năm qua hệ thống khuyến nông trong toàn tỉnh Hòa Bình từ cấp tỉnh đến cơ sở đã không ngừng củng cố để hoàn thiện cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác khuyến nông. Hệ thống đã tích cực thực hiện các hoạt động chuyên ngành như xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, tập huấn chuyển giao khoa học ký thuật cho nông dân, thông tin tuyên truyền… Với nhiều hoạt động thiết thực mang tính định hướng cao, hệ thống khuyến nông đã hoàn thành tốt vai trò và ngày càng lớn mạnh, trở thành nguồn nội lực không thể thiếu đối với sự phát triển toàn diện, bền vững của kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà. Có thể thấy hoạt động sản xuất của người dân ở đâu đạt năng suất cao, ở đó có vai trò của khuyến nông.

Năm 2021, hệ thống khuyến nông tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó mắt xích quan trọng hàng đầu là Trung tâm Khuyến nông Tỉnh với vai trò đầu tàu chi phối hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Trung tâm đã bám sát chủ trương, định hướng của Bộ NN&PTNN, của Tỉnh và của ngành, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan và Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm (nay là Trung tâm dịch vụ nông nghiệp) các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác chỉ đạo sản xuất. Theo đó, lực lượng khuyến nông đã xây dựng và chuyển giao kỹ thuật phù hợp với thực tế sản xuất, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn người dân các biện pháp quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi, tạo ra những chuyển biến tích cực trong sự phát triển chung của ngành nông nghiệp.

Hòa Bình: Vai trò của khuyến nông trong xây dựng Nông thôn mới và định hướng phát triển sản xuất vùng nguyên liệu - Ảnh 1.

Đoàn cán bộ tỉnh Hòa Bình đi thăm quan mô hình phát triển giống bò 3BBB

Song song với công tác chỉ đạo sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh luôn chú trọng triển khai xây dựng dự án, mô hình. Năm 2021, Trung tâm xây dựng được 11 mô hình khuyến nông thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; 01 đề tài cấp Tỉnh như: Đề tài "Nghiên cứu trồng thử nghiệm giống cây dược liệu Actiso tại một số xã vùng cao của tỉnh Hòa Bình"; Dự án "Ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ"; Dự án "Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học"; Dự án "Phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo hướng VietGAP"; Mô hình "Phát triển nuôi cá lăng trong lồng theo hướng VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm"; Mô hình "Xây dựng mô hình trồng thâm canh giổi ăn hạt bằng cây ghép"...

Hòa Bình: Vai trò của khuyến nông trong xây dựng Nông thôn mới và định hướng phát triển sản xuất vùng nguyên liệu - Ảnh 2.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình tổ chức diễn đàn "khuyennong@nongnghiep"

Các dự án, mô hình đã được triển khai, thực hiện đúng tiến độ, cho kết quả tốt, đạt mục tiêu, tạo ra sức thuyết phục cao và có khả năng lan rộng tốt, được các cấp chính quyền cơ sở đánh giá cao và người dân nhiệt tình ủng hộ.

Hoạt động đào tạo tập huấn tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương pháp theo hướng đi sâu vào chất lượng, hiệu quả. Nội dung các khóa tập huấn tập trung vào các chủ đề phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới, trang bị các kiến thức cần thiết về chính sách, tổ chức quản lý sản xuất, thị trường, hội nhập quốc tế cho cán bộ khuyến nông và nông dân.

Trong năm 2021, Trung tâm đã tổ chức 09 lớp tập huấn TOT với 280 học viên tham gia, trong đó: Thực hiện 03 lớp tập huấn bằng nguồn ngân sách tỉnh cho 90 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và công tác viên khuyến nông trên địa bàn tỉnh; 06 lớp tập huấn với nguồn kinh phí trung ương cho 190 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và cộng tác viên khuyến nông trên địa bàn tỉnh với các nội dung như: Nghiệp vụ Khuyến nông và kỹ thuật trồng ngô sinh khối; Nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học; Nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; Kỹ thuật chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học; Phương pháp và kỹ năng thực hành thao giảng khuyến nông...

Công tác đào tạo tập huấn khuyến nông luôn được đổi mới, phù hợp với từng đối tượng tiếp cận. Đào tạo tập huấn trong khuyến nông được sử dụng nhiều phương pháp, gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường giảng thực hành trên đồng ruộng. Áp dụng phương pháp dạy học lấy học viên làm trung tâm, phương pháp lớp học hiện trường (FFS), kết hợp với định hướng và nhu cầu đào tạo để xây dựng chương trình, bài giảng áp dụng phương pháp giảng 2 chiều ngay trên lớp học.

Năm 2021 sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức về thời tiết, biến đổi khí hậu và đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình luôn nỗ lực hoàn thành tốt hoạt động thông tin tuyên truyền: Duy trì chuyên mục Khuyến nông trên sóng Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh Hòa Bình với nội dung về các kỹ thuật nông lâm nghiệp, hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp…Thường xuyên viết tin, bài đăng trên Website Sở NN& PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, báo Trung ương và địa phương… Tổ chức thành công Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi" và 7 cuộc tọa đàm với các chủ đề: "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm mùa đông"; "Phát triển trồng cây ngô sinh khối trên đất nhàn rỗi, hoang hóa, vườn tạp phục vụ chăn nuôi trâu, bò mùa đông";  "Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19". In và cấp phát trên 2000 nghìn cuốn ấn phẩm, tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt v.v đến tay nông dân. Từ đó, giúp nông dân tiếp cận được các thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật, những cách làm mới, hiệu quả để áp dụng vào sản xuất. Tạo kênh YouTube Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình với mục tiêu chuyển tải các thông tin Khuyến nông nói riêng và ngành NN và PTNT Hòa Bình nói chung nhằm đáp ứng yêu cầu "số hóa nông nghiệp". Cập nhật thông tin các sản phẩm nông nghiệp Hòa Bình lên trang điện tử "Phiên chợ Khuyến nông" trên Website Khuyến nông Việt Nam...

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Đức Trường - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình khẳng định: "Triển khai hiệu quả các mô hình trình diễn, đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền là yếu tố then chốt để Trung tâm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông. Thời gian qua, các hoạt động đều bám sát chủ trương của Bộ NN&PTNT và phù hợp với kế hoạch phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của địa phương. Vì thế, trong quá trình triển khai đã huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của đông đảo người dân. Nhờ được triển khai hiệu quả, đã tác động tích cực đến nhận thức và năng lực sản xuất của nông dân, tạo những chuyển biến đáng khích lệ trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo ra những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp".

Hòa Bình: Vai trò của khuyến nông trong xây dựng Nông thôn mới và định hướng phát triển sản xuất vùng nguyên liệu - Ảnh 3.

Ông Đỗ Đức Trường - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cùng đoàn lãnh đạo sở NN&PTNN thôn tỉnh Hòa Bình đi thăm quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh tiếp tục lựa chọn các mô hình có quy mô phù hợp, gắn với việc thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bộ định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở thực hiện. Xây dựng các chương trình, nhiệm vụ từ nguồn Khuyến nông trọng điểm năm 2022 tập trung trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với đào tạo chuyển giao công nghệ, liên kết tiêu thụ sản phẩm… nhằm tiếp tục đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống mới, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất. Chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng các mô hình khuyến nông cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa; tăng cường, đổi mới công tác thông tin tuyên truyền…

Đặc biệt, Hòa Bình là một trong 13 tỉnh tham gia giai đoạn 1 Dự án thí điểm xây dựng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững giai đoạn 2022- 2025. Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đã triển khai xây dựng thí điểm 02 Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn huyện Lạc Sơn, Yên Thủy và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đề án khuyến nông cộng đồng hướng tới mục tiêu củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông theo hướng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành và phát triển nông thôn, góp phần củng cố xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng nông sản. Tăng cường hệ thống khuyến nông cơ sở, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đa dạng các hoạt động khuyến nông.

Mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng thực hiện 5 chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo nhóm hoạt động: Hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, hợp tác xã về khuyến nông. Hỗ trợ, tư vấn phát triển Hợp tác xã. Hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị. Tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.

Có thể nối Tổ khuyến nông cộng đồng có vai trò quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một nền "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh". Việc hình thành các chuỗi giá trị liên kết trong các vùng nguyên liệu sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Qua đó góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Thời gian tới, tiếp tục chung tay xây dựng Nông thôn mới, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh Hòa Bình sẽ tích cực phát huy vai trò của mình trong việc giúp địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững, ổn định, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương và thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trung Kiên
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.