Hoa Đà Lạt xuất khẩu sang Úc, buộc phải tiêu huỷ

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:54 AM 27/07/2021

Giữa đại dịch COVID-19, việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người nông dân đều gặp rất nhiều khó khăn. Và, ngành hoa xuất khẩu của Đà Lạt cũng đang gặp trở ngại rất lớn khiến cả doanh nghiệp và người nông dân điêu đứng.

Đầu tháng 7/2021, gần 160 nghìn trong số 550 nghìn cành hoa chuẩn bị xuất khẩu sang Úc của Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã phải tháo dỡ ra khỏi container và đưa vào máy nghiền tự hủy. Và, nếu hoa vẫn không thể xuất khẩu sang Úc thì tình trạng này cứ tiếp tục tái diễn, mỗi tháng sẽ có khoảng hơn 2 triệu cành hoa phải tiêu hủy. Với thị trường truyền thống Úc, mỗi năm Dalat Hasfarm xuất khẩu đạt giá trị trên 5 triệu USD và việc hoa không xuất khẩu được khiến công ty lâm vào tình trạng khó khăn.

Hoa Đà Lạt xuất khẩu sang Úc, buộc phải tiêu huỷ - Ảnh 1.

TỪ QUY ĐỊNH CỦA ÚC

Việc hoa Đà Lạt đã đóng hộp còn phải quay lại xưởng tiêu hủy, theo ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho biết, xuất khẩu hoa sang Úc được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt theo yêu cầu của đối tác. Cụ thể, để xuất khẩu hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành sang Úc cần phải sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa theo yêu cầu (ngâm 35 cm cành hoa trong dung dịch 0,5% hoạt chất trên trong vòng 20 phút). Loại hoạt chất này sau khi sử dụng được Công ty TNHH Dalat Hasfarm xử lý, tiêu hủy như đối với một loại chất nguy hiểm gây hại.

Từ ngày 1/7/2021, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Glyphosate bị cấm sử dụng trong nước theo Thông tư số 10 (9/9/2020) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Theo quy định mới nên Tổ Kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đóng tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã không cấp giấy phép cho các lô hàng xuất khẩu qua Úc. Trong khi đó, phía đối tác tại Úc không chấp nhận xử lý mầm trên cành hoa bằng hoạt chất khác, ngoài Glyphosate. Chính vì vậy, Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã phải đưa toàn bộ số hoa chuẩn bị xuất khẩu về lại Lâm Đồng để tiêu hủy. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, hàng triệu cành hoa cúc và cẩm chướng Đà Lạt sẽ tiếp tục bị tiêu hủy, trở thành phân bón.

Công ty Hasfarm đã xin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho phép gia hạn việc sử dụng Glyphosate cho các loại hoa xuất khẩu đi Úc đến khi Chính phủ Úc chấp nhận giải pháp thay thế mà công ty này đang tiến hành.

Tuy nhiên, yêu cầu trên của Công ty Hasfarm đã bị từ chối. Điều này đã khiến hàng triệu cành hoa phải hủy bỏ, 250 công nhân của công ty có nguy cơ mất việc. Ông Adrianus Gordijn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm cho biết: "Việc Dalat Hasfarm đứt gãy nguồn xuất khẩu sang thị trường Úc không chỉ mang lại thiệt hại trước mắt mà còn nguy cơ lâu dài, đó là việc các đối thủ trong khu vực nhân thời điểm này tham gia chiếm thị phần của hoa Đà Lạt, có thể kể đến như Trung Quốc, một quốc gia trồng hoa rất mạnh".

Hoa Đà Lạt xuất khẩu sang Úc, buộc phải tiêu huỷ - Ảnh 2.

Qua tìm hiểu được biết, không chỉ Dalat Hasfarm gặp khó trong vấn đề xuất khẩu hoa sang thị trường Úc. Ông Phạm Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cung cấp thông tin, có 5 - 6 doanh nghiệp hoa khác cũng gặp khó khăn này. Tuy nhiên, Dalat Hasfarm là đơn vị bị thiệt hại lớn nhất. Mỗi năm có khoảng 40 triệu cành hoa xuất khẩu sang Úc. Riêng Dalat Hasfarm xuất khẩu 30 triệu cành. Hiệp hội cũng đã đề xuất các cơ quan chức năng có hướng giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững sản xuất kinh doanh.

ĐÀM PHÁN THUYẾT PHỤC ÚC THAY ĐỔI

Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu hoa đi 20 quốc gia trên thế giới gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, các nước ở EU… với rất đa dạng chủng loại hoa.

Đối với thị trường Úc, theo quy định hiện hành về kiểm dịch thực vật của nước này, có 2 loại hoa gồm hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành, khi xuất khẩu vào Úc bắt buộc phải xử lý nhúng cành vào dung dịch có chứa hoạt chất Glyphosate (hàm lượng từ 0,25 - 0,5 %). Biện pháp này có mục đích ngăn chặn sự nảy mầm của thân, cành hoa và nhằm ngăn ngừa nguy cơ xâm nhiễm thực vật Úc.

Trước khi Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được văn bản kiến nghị từ Dalat Hasfarm với kiến nghị cho phép tiếp tục sử dụng hoạt chất Glyphosate để xử lý cành hoa xuất khẩu sang Úc cho phù hợp với yêu cầu của phía Úc.

Hoa Đà Lạt xuất khẩu sang Úc, buộc phải tiêu huỷ - Ảnh 3.

Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản trả lời cho Dalat Hasfarm và nhiều cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Lâm Đồng về các quy định, lộ trình cấm lưu hành, sử dụng Glyphosate tại Việt Nam cũng như các quy định trong thủ tục kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu hoa sang các nước.

Cục Bảo vệ thực vật và Dalat Hasfarm cũng đã thống nhất sẽ khảo nghiệm một hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật khác nhằm thay thế Glyphosate. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã có công hàm gửi toàn bộ tài liệu kỹ thuật khảo nghiệm cho phía Úc, cũng như liên tục đàm phán với phía Úc để được xem xét cho phép thay thế Glyphosate bằng một loại hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật khác trong thời gian sớm nhất có thể.

Trong thời gian chờ được phía Úc cho phép thay thế Glyphosate bằng hoạt chất khác, ông Hoàng Trung khuyến cáo, để giải quyết khó khăn, phía Dalat Hasfarm cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu hoa (hoa cúc và cẩm chướng cắt cành) sang thị trường Úc cần chuyển hướng xuất khẩu loại hoa này sang các thị trường khác không yêu cầu phải sử dụng hoạt chất Glyphosate.

"Chúng tôi rất chia sẻ với Dalat Hasfarm, bởi hiện nay dịch bệnh COVID-19 cũng khiến hoạt động sản xuất, tiêu thụ hoa tại thị trường nội địa gặp rất nhiều khó khăn, tụt giảm mạnh, nhất là ở các đô thị lớn. Không chỉ có hoa mà nhiều mặt hàng rau, củ, quả khác của Đà Lạt cũng đang chung cảnh ngộ", ông Hoàng Trung chia sẻ, đồng thời khẳng định, việc cấm lưu hành, sử dụng hoạt chất thuốc trừ cỏ Glyphosate kể từ ngày 1/7/2021 theo luật định cũng không thể không thực hiện.

Hạ Duyên
Ý kiến của bạn
Sa Pa tưng bừng khai mạc Lễ hội mùa hè 2025 Sa Pa tưng bừng khai mạc Lễ hội mùa hè 2025

Tối 29/4, UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) tổ chức Khai mạc Lễ hội mùa hè Sa Pa 2025 với chủ đề: “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu”. Sự kiện diễn ra trong không khí phấn khởi khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5.