Hoa Kỳ trừng phạt 24 công ty Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển Đông

Đầu tư và Tiếp thị
08:51 AM 27/08/2020

Ngày 26/8, chính quyền Trump đã bổ sung 24 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm mua các sản phẩm của Mỹ, với lý do các công ty này giúp quân đội Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo tại khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, NYtimes đưa tin.

Hoa Kỳ trừng phạt 24 công ty Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển Đông - Ảnh 1.

24 công ty được thêm vào danh sách cấm mua các sản phẩm của Mỹ bao gồm Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, nhà thầu cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Ảnh: NYtimes

Chính quyền Trump đã phạt hàng chục công ty Trung Quốc trong những tháng trước vì các vấn đề liên quan đến ninh quốc gia và cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo ở khu vực Tân Cương. Nhưng đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ cấm cửa các công ty Trung Quốc vì vấn đề cố tình xâm phạm Biển Đông, cụ thể là khu vực biển trải dài về phía nam Hồng Kông và giáp biên giới với Philippines, Việt Nam, Malaysia và các nước khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo rằng, họ sẽ bắt đầu áp đặt các hạn chế về thị thực đối với công dân Trung Quốc. Những cá nhân chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với việc cải tạo, xây dựng hoặc quân sự hóa quy mô lớn các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông sẽ bị cấm đến Hoa Kỳ. Các thành viên gia đình của họ cũng có thể phải đối mặt với các hạn chế về thị thực.

Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết, họ không thể công bố tên của các giám đốc điều hành sẽ bị cấm đi du lịch đến Hoa Kỳ, nhưng họ lưu ý rằng có "hàng chục cá nhân" sẽ phải chịu các hạn chế đi lại.

Động thái này là động thái mới nhất trong một loạt các hành động khiến quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên tồi tệ hơn. Tổng thống Trump, người đã cáo buộc Bắc Kinh cố tình che giấu để Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, đã và đang tìm mọi cách trừng phạt Trung Quốc.

Trong những tuần gần đây, chính quyền Trump đã chuyển sang cấm các ứng dụng truyền thông xã hội do Trung Quốc sở hữu là TikTok và WeChat khỏi Hoa Kỳ, đóng cửa một cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Houston và đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền, cùng một số hành vi khác.

Vào tháng 7, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông là "hoàn toàn trái pháp luật".

Biển Đông đã trở thành một địa điểm tiềm tàng cho sự đối đầu quân sự, với những va chạm đáng lo ngại giữa tàu và máy bay. Ngày 25/8, Trung Quốc cáo buộc người Mỹ điều khiển máy bay do thám U-2 trong một cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật mà Trung Quốc đang tiến hành, gọi đây là một "hành động khiêu khích trần trụi". Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao từ chối xác nhận hoặc bình luận về hai tên lửa do quân đội Trung Quốc bắn vào Biển Đông.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp kể từ năm 2013, nạo vét và xây dựng hơn 3.000 mẫu đất mới, bao gồm các tính năng phòng không và tên lửa chống hạm. Việc xây dựng đảo làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực, diễn ra bất chấp sự lên án của Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại nói với NYTimes: "Có một lượng tương đối nhỏ" hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ cho 24 công ty được nhắm mục tiêu hôm thứ Tư, với tổng giá trị khoảng 5 triệu USD trong 5 năm qua".

Các công ty được nêu tên bao gồm một số bộ phận của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, nhà thầu cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" mà Trung Quốc đã xây dựng trên khắp thế giới.

Danh sách này cũng bao gồm Công ty Viễn thông Bắc Kinh Huanjia, Công ty Phát triển Công nghệ Chongxin Bada, Công ty Kỹ thuật Cáp ngoài khơi Thượng Hải, Công ty Thiết bị Phát sóng Thiên Tân và các viện nghiên cứu của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc và Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc.

Ông Pompeo nói trong tuyên bố của mình: "Trung Quốc không được phép sử dụng các công ty này làm vũ khí để áp đặt một chương trình nghị sự bành trướng. Hoa Kỳ sẽ hành động cho đến khi chúng tôi thấy Bắc Kinh ngừng các hành vi xâm phạm ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác trong việc chống lại hoạt động gây bất ổn này".

Hoa Kỳ không có yêu sách hàng hải ở Biển Đông, mà điều họ muốn là đảm bảo Bắc Kinh không chà đạp lên "quyền chủ quyền" của các quốc gia Đông Nam Á.

Thủy Phạm
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.