Hoàn thiện chính sách pháp luật để phát triển kinh tế số bền vững

Đầu tư và Tiếp thị
12:32 PM 19/02/2022

Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghệ số, trong đó có chính sách pháp luật đối với các dịch vụ trên Internet...

Đại dịch COVID-19 đến và đã thay đổi đáng kể cuộc sống của con người. Các cuộc đàm phán xuyên biên giới, hoạt động giải trí với các trò chơi điện tử xuyên biên giới, giao dịch vật phẩm NFT xuyên biên giới, phổ biến và tiếp cận thông tin xuyên biên giới trong mọi lĩnh vực đời sống từ ‘hộ chiếu vaccine’ đến các dòng dữ liệu lưu chuyển xuyên biên giới… trên những thiết bị công nghệ kết nối internet.

Hoàn thiện chính sách pháp luật để phát triển kinh tế số bền vững - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”.

Đây là một phần của bức tranh kinh tế số minh chứng cho công nghệ số gắn với các hoạt động kinh tế là phương thức quan trọng trong việc phục hồi, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhận xét, sự bùng nổ của các dịch vụ nội dung số có những đóng góp lớn, không chỉ cho khu vực kinh tế số nói riêng, mà toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đi kèm với sự phổ biến của dịch vụ nội dung số cũng chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng tin giả, thông tin không chính xác, những nội dung không lành mạnh với trẻ em và các nội dung đi lệch chuẩn văn hoá, đạo đức.

Để thúc đẩy phát triển hạ tầng kĩ thuật số, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghệ số. Trong đó có chính sách pháp luật đối với các dịch vụ trên internet như dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ mạng xã hội được thể hiện trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72…

Bà Vũ thị Hồng Yến, Giám đốc công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam, cho rằng để nền kinh tế số phát triển bền vững, yếu tố đầu tiên phải chú trọng là tạo một hành lang pháp lý đầy đủ, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định trong lĩnh vực này.

Hiện nay, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP sau 2 lần được đăng công khai để lấy ý kiến (tháng 7/2021 và tháng 11/2021) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện những bước cuối để trình Chính phủ.

Việc sửa đổi bổ sung nghị định này được kỳ vọng tạo được hành lang pháp lý nhằm khắc phục những bất cập phát sinh từ môi trường mạng và bắt kịp xu thế phát triển của Internet; đồng thời cải cách và số hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cùng với đó điều chỉnh các hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hoàn thiện chính sách pháp luật để phát triển kinh tế số bền vững - Ảnh 2.

Kỳ vọng tạo được hành lang pháp lý đầy đủ nhằm khắc phục những bất cập phát sinh từ môi trường mạng. Ảnh minh họa.

Đặc biệt quy định nhằm khuyến khích hoạt động đăng tải các thông tin chính xác và lành mạnh trên Internet và ngăn chặn các thông tin tiêu cực; ngăn chặn các hành vi lạm dụng Internet nhằm gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đi ngược lại với tập quán, đạo đức xã hội và pháp luật; áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của Internet.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông nhấn mạnh, dự thảo Nghị định 72 được coi là nghị định "xương sống" trong quản lý Internet nhưng cũng là một văn bản pháp lý rất phức tạp, có quy mô lớn, và đang có quá nhiều mục tiêu chính sách, vấn đề để xử lý những bất cập đặt ra hiện nay trên môi trường Internet.

Với tính chất dài và có phần phức tạp của Nghị định, ông Đồng khuyến nghị nên có sự đổi mới cách tiếp cận chính sách và tiếp cận quản lý từ cả hai phía.

Thứ nhất, những cơ quan quản lý nên xây dựng/đào tạo kỹ năng số cho người dùng để đảm bảo về tính an toàn thông tin, qua đó, đạt được những mục tiêu về mặt chính sách.

Thứ hai, tăng cường giải pháp pháp lý kết hợp với giải pháp công nghệ, không chỉ đơn thuần sử dụng một trong hai giải pháp, nghĩa vụ pháp lý như Nghị định 72 đang đề xuất.

Thứ ba, tạo ra những nhóm làm việc qua nền tảng xuyên biên giới. Nghĩa là các nền tảng nội dung ở trong nước phối hợp cùng các trang tin điện tử trên thế giới, để xử lý và xác nhận thông tin sai phạm được nhanh hơn. Qua đó, còn có thế giải quyết vấn đề trong khuôn khổ liên quốc gia.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn
Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á Nhiều cơ hội để Phú Quốc trở thành điểm đến biểu tượng của châu Á

“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.