Hoàn thiện quy trình, hệ thống công nghệ quản lý người nhập cảnh
Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 8/6 ở Hà Nội, Ban Chỉ đạo đã có yêu cầu hoàn thiện quy trình, hệ thống công nghệ quản lý người nhập cảnh.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - nhận định, đợt dịch lần 4 diễn biến nhanh, phức tạp và làm bệnh nặng hơn so với các đợt trước. Số trường hợp mắc gia tăng nhanh trong thời gian ngắn đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã thảo luận về công tác phòng, chống dịch; nâng cao năng lực xét nghiệm; hoàn thiện quy trình, hệ thống công nghệ quản lý người nhập cảnh, trong đó có đối tượng đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã nghe báo cáo về quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về chấn chỉnh công tác đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài về thành khâu, quy trình khép kín. Sau khi được Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế yêu cầu, Bộ TT&TT đã tiến hành tích hợp các giải pháp công nghệ, phối hợp với các đơn vị hoàn chỉnh, đang trong giai đoạn chạy thử.
Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ quản lý người nhập cảnh trong 1 tuần nữa để Bộ Y tế nghiệm thu, đưa vào hoạt động chính thức, bởi nhu cầu đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài về rất lớn.
Hệ thống công nghệ này kết hợp với quy trình, quy định đang được Bộ Y tế hoàn thiện, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, sẽ tạo thành chu trình quản lý khép kín từ khi tiếp nhận nhu cầu nhập cảnh của người Việt Nam, người nước ngoài, nhập cảnh vào Việt Nam, cách ly tập trung, đến hết thời gian theo dõi y tế tại nhà; xây dựng hệ cơ sở dữ liệu tập trung về người nhập cảnh của Ban Chỉ đạo để phục vụ phòng, chống dịch.
Dự kiến, những người nhập cảnh vào Việt Nam được phân loại thành các nhóm khác nhau. Người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được kiểm tra bằng các xét nghiệm khác nhau để khẳng định chứng minh hiệu quả việc tiêm vắc xin (bởi các loại vắc xin hiện hành có hiệu quả từ 70-90%), sau đó việc thực hiện cách ly rút ngắn xuống còn 7 ngày.
Kiểm soát tốt, dịch sẽ được dập trong tháng 6
Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định nếu kiểm soát tốt, cơ bản trong tháng 6, tình hình dịch bệnh được khống chế nhưng sẽ vẫn ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng. Trong khi đó, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở trong nước và nhiều nước trên thế giới chưa thể có miễn dịch cộng đồng sớm. Do đó, các lực lượng không chủ quan, lơ là, luôn sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh.
Thời gian qua, dịch lây lan chủ yếu giữa các khu công nghiệp và cộng đồng và tại các sự kiện tập trung đông người (đám ma, đám cưới, hoạt động tôn giáo…), đặc biệt, dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên lây lan nhanh trên phạm vi rộng. Các địa phương ban đầu có sự lúng túng, bị động do chưa lường hết mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh chóng của chủng virus mới.
Trong hai tuần gần đây, các địa phương đã nỗ lực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản đã được kiểm soát.
Bộ Y tế nhận định trong những ngày tới, tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới do nhiều trường hợp đã bị phơi nhiễm từ trước, hầu hết đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa, số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại.
Cũng theo Bộ Y tế, sẽ vẫn có thể ghi nhận một số trường hợp mắc đơn lẻ tại một số địa phương khác từ những người nhập cảnh trái phép hoặc từ những trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh tại một số ổ dịch cũ.
Ban Chỉ đạo lưu ý, các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang và TPHCM cần tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, chú trọng ở mức cao nhất công tác giám sát, phát hiện tại cộng đồng và đảm bảo an toàn cao nhất với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý Bộ Y tế cần tiếp tục theo dõi chặt tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang; TPHCM và một số địa phương lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu),… theo sát tình hình Lạng Sơn.
Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế khẩn trương đúc rút kinh nghiệm trong đợt chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang để sớm ban hành Sổ tay phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp và phổ biến ngay cho các địa phương.
Theo Bộ Y tế, công nghệ xét nghiệm COVID-19 sử dụng mẫu nước bọt và công nghệ xét nghiệm quang học đã được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Đến nay, kết quả ban đầu được đánh giá khả quan. Dự kiến, trong tuần này, Bộ Y tế sẽ đánh giá để đề xuất, triển khai thí điểm tại các vùng có dịch.
Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.