Hoằng Hóa: Đơn vị xuất sắc sau 10 năm thực hiện NQ 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI

Địa phương
05:57 PM 28/07/2023

Trong những năm qua, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoằng Hóa đã ban hành Kế hoạch 89/ KH/HU về tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trong toàn đảng bộ huyện. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Hoằng Hóa trực tiếp chỉ đạo ngành giáo dục huyện quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 29 và Đề án giáo dục đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp và nhân dân đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác giáo dục - đào tạo, công tác dạy và học ở các địa phương được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng đã đề ra.

Một số chuyển biến tích cực

Trong 10 năm qua, hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của huyện Hoằng Hóa được hoàn thiện. Đến nay, về cơ bản, các chủ trương của Nghị quyết 29 đã được thể chế hóa và được cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực hiện trên địa bàn huyện.

Huyện Hoằng Hóa: Đơn vị xuất sắc sau 10 năm thực hiện NQ 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Lễ hội Bút Nghiên tổ chức lần thứ III tại huyện Hoằng Hóa

Qua báo cáo, mạng lưới các trường mầm non, phổ thông được rà soát, sắp xếp hợp lý. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được đầu tư, trang bị theo hướng hiện đại và chuẩn quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 124 cơ sở giáo dục công lập, trong đó có 43 trường Mầm non, 36 Trường TH, 33 trường THCS, 07 trường TH & THCS…

Đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục phát triển về chất lượng, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn được quan tâm đáp ứng cho nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT (tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%; tỷ  lệ đảng viên trong ngành giáo dục là 2.249 đảng viên, số đảng viên nữ là 1.842 người chiếm 82%). Công tác quy hoạch đội ngũ CBQL và đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ được quy hoạch được quan tâm đúng mức…

Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng hiệu quả hơn, đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh….

Chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ ở từng cấp học. Giáo dục Mầm non thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ góp phần giảm tỷ lệ trẻ em SDD toàn huyện.

Do làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, thống nhất trong nhận thức để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó, vai trò quyết định là của đội ngũ CBQL giáo dục, của đội ngũ nhà giáo, người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và địa phương trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho con em mình từ đó tạo ra sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát, phản biện của toàn xã hội với sự nghiệp đổi mới và phát triển giáo dục.

Cùng với đó, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu kịp thời, khai thác thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất trong các nhà trường.

Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữa và dạy nghề. Xác định rõ mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học như: Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, khơi dậy và phát huy tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.

Huyện Hoằng Hóa: Đơn vị xuất sắc sau 10 năm thực hiện NQ 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Ảnh 2.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy - Lê Xuân Thu trao quà và vinh danh học sinh đạt thành tích xuất sắc trong năm học tại Lễ hội Bút Nghiên.

Về kết quả đổi mới phương pháp dạy và học

Trong 10 năm qua, các cơ sở giáo dục đã chủ động thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh: tăng cường sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, nhất là đối với chương trình Giáo dục phổ thông; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học.

Trong các tiết dạy đội ngũ giáo viên đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp dạy học truyền thống và các phương pháp dạy học tích cực như dạy theo dự án, phù hợp với đối tượng và điều kiện dạy học cụ thể. Đồng thời, các cấp học đã tổ chức hội thi giáo viên giỏi, cấp TH và tham gia hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, 100% giáo viên tham gia đạt giáo viên giỏi.

Về xây dựng cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho giáo dục và đào tạo: Bằng nhiều nguồn vốn và thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, đến nay các trường học trên địa bàn huyện đã được tăng cường về diện tích theo quy định, phòng học, phòng bộ môn, các phòng chức năng, trang thiết bị dạy học… được tăng cường theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Về trường chuẩn quốc gia: Đến nay có 123/123 trường học được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Các trường học thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy: 100% trường TH, THCS có phòng học tin học.

Nói về hiệu quả triển khai, thực hiện NQ 29 của Ban Chấp hành TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, người đứng đầu huyện không quên đề cập đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao đòi hỏi giáo dục phải đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, nhanh chóng góp phần tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Nếu không đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì nhân lực sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển của quê hương, đất nước.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Xuân Thu nhấn mạnh: Những thành tựu và kết quả nói trên, trước hết bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của mỗi gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Hoằng Hóa nói riêng, là một địa phương có truyền thống hiếu học, do đó cần phải có nền giáo dục tốt để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng cho sự phát triển.

Huyện Hoằng Hóa: Đơn vị xuất sắc sau 10 năm thực hiện NQ 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Ảnh 3.

Đồng chí Lê Xuân Thu - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện kết luận trong hội nghị 6 tháng đầu năm 2023

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể và sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, cùng với sự quan tâm của phụ huynh và sự nỗ lực học tập của học sinh, giáo dục và đào tạo huyện Hoằng Hóa tiếp tục phát triển ổn định, luôn luôn đứng trong tốp đầu toàn tỉnh.

Khi đề cập đến chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Xuân Thu chia sẻ: Chúng tôi luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất chính trị đạo đức, tinh thần trách nhiệm, trình độ quản lý tốt, trong đó phải thực hiện tốt công tác rà soát quy hoạch cán bộ theo quy trình 5 bước, gắn với công tác luân chuyển cán bộ quản lý các trường học đảm bảo đúng quy định. Trước khi đề bạt một đồng chí cán bộ quản lý, chúng tôi lấy phiếu "tín nhiệm" của lãnh đạo địa bàn xem đồng chí cán bộ đó có đủ năng lực, phẩm chất, gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" hay không. Nếu còn thiếu những phẩm chất đó, coi như việc đề bạt sẽ không thành.

Có thể nói: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp luôn được quan tâm, được cụ thể hóa trong chỉ đạo xây dựng kế hoạch năm học. 

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên trong ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. Đội ngũ CBQL, giáo viên yên tâm, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cấp học đã tích cực đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học. 

Chất lượng giáo dục nâng lên ở các cấp học; đặc biệt là chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi có chuyển biến tích cực. Công tác xã hội hóa đã được các tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh… quan tâm đầu tư cho nhà trường. Duy trì số trường học đạt chuẩn quốc gia: Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng đồng chí Bí thư Huyện ủy cho rằng: Ngành giáo dục huyện nhà vẫn còn những hạn chế, khó khăn, bất cập như: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, vẫn còn một số cơ chế, chính sách, thiếu văn bản hướng dẫn của Bộ ngành trung ương nên chưa phát huy được hiệu quả của việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Cấp ủy, chính quyền một số xã nhận thức chưa đầy đủ và sâu sác về vị trí, tầm quan trọng của Nghị quyết. Việc chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Đội ngũ giáo viên còn thiếu ở cấp học Mầm non, Tiểu học, không đủ chủng loại ở cấp THCS. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo năng lực phẩm chất học sinh còn hạn chế…

Chia sẻ với phóng viên Doanh nghiệp & Tiếp thị, Bí thư Huyện ủy cho rằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, ngành giáo dục và đào tạo huyện Hoằng Hoá đã trưởng thành thêm một bước, chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, còn nhiều công việc chưa đạt được mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Hiện nay, giáo dục phổ thông có những vấn đề nổi lên, tạo ra những băn khoăn trong dự luận xã hội: đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu; xuất bản 5 bộ sách giáo khoa gây tốn kém, nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Với những thành công bước đầu đạt được, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 29-NQ/TW và các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Kế hoạch số 89-KH/HU, nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của từng CBQL, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục về vị trí, tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong việc thúc đấy kinh tế - xã hội phát triển. 

Phát triển giáo dục và đào tạo chính là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành: lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.

Trên tinh thần đó, Hoằng Hóa luôn ghi nhận và đề cao quan điểm của Đảng coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn