Hoằng Hóa: Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Địa phương
11:38 AM 03/10/2022

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững, những năm gần đây, một số một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu, cho kết quả khả quan, từ đó tạo niềm tin để nhân rộng và phát triển các mô hình.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. 

Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Hoằng Hóa phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Quyên đã mạnh dạn thuê hơn 1ha đất 5% của xã Hoằng Đạo để đầu tư cải tạo, lắp đặt hơn 4000 m2 nhà màng trồng dưa vàng kim hoàng hậu.

Trong những năm qua, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Hoạt động trên các tiêu chí: Tự động hóa - Đơn giản hóa - Đồng bộ hóa - Chuyên nghiệp hóa - Xanh hóa.

Điển hình, tại huyện Hoằng Hóa, năm 2019, bà Lê Thị Quyên đã mạnh dạn thuê hơn 1ha đất 5% của xã Hoằng Đạo để đầu tư cải tạo, lắp đặt hơn 4000 m2 nhà màng trồng dưa vàng kim hoàng hậu. Nhận thấy việc trồng dưa vàng kim hoàng hậu trong nhà màng cho thu nhập cao, cuối năm 2019, bà Quyên đã thành lập hợp tác xã sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, đồng thời áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGap nhằm tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao. Nhờ đó sản phẩm dưa vàng kim hoàng hậu của hợp tác xã Hoằng Đạo đã được đưa vào tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, hợp tác xã thu hoạch 2 vụ dưa với sản lượng 25 tấn, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 400 triệu đồng.

Hoằng Hóa phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Quyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa

Bà Lê Thị Quyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa cho biết, so với sản xuất truyền thống, áp dụng công nghệ cao giúp giảm bớt nhiều chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông sản sạch bán được giá cao hơn.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025, phát triển nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao là một trong bốn chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ. Để thực hiện chương trình này, huyện đã xây dựng, ban hành các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hạ tầng và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giao chỉ tiêu cho từng xã với mốc thời gian, lộ trình cụ thể.

Hoằng Hóa phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 3.

Vườn dưa vàng kim hoàng hậu

Đến nay, toàn huyện có 6 ha nhà màng sản xuất rau, quả, trên 60 ha sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGap, 140 cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, siêu thâm canh với tổng diện tích trên 300 ha, trong đó hơn 75 ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nhà màng, nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt,… giúp tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản. 

Ngoài ra, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiệt hại do thiên tai dịch bệnh. Theo tính toán, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao có lợi nhuận trung bình đạt từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên đối với trồng trọt và trên 2 tỷ đồng/ha/năm đối với nuôi trồng thủy sản, cao gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường.

Ông Hoàng Đình Hợp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa cho biết: "Ngoài chính sách hỗ trợ của huyện và tỉnh, xã cũng đã tạo điều kiện cho bà con dồn đổi ruộng, đặc biệt các vùng đất 5% ngân sách trên địa bàn xã; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con mở rộng sản xuất. Cùng với đó mở rộng vùng quy hoạch vùng sản xuất, phối hợp huyện đầu tư cơ sở, kênh mương cho sản xuất".

Hoằng Hóa phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 4.

Ông Hoàng Đình Hợp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa thăm mô hình trồng nấm tại địa phương.

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ cao đã và đang tạo ra những đột phá cho sản xuất nông nghiệp của huyện. Vì vậy, huyện Hoằng Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có hơn 880 ha diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, khoảng 200 ha diện tích sản xuất được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc tiêu chuẩn hữu cơ.

Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo xung lực mới cho ngành nông nghiệp.

Để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự, thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.