Hoạt động kinh doanh của trụ sở chính các ngân hàng sẽ chịu giám sát
Hoạt động kinh doanh của trụ sở chính của các TCTD chưa được quy định rõ là đối tượng thanh tra của Thanh tra, giám sát NHNN, nay theo dự thảo sửa đổi dự kiến sẽ được "quản" chặt hơn.
Hoạt động kinh doanh mở rộng từ trụ sở chính của các ngân hàng sẽ là đối tượng thanh tra giám sát của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2015/TT-NHNN ngày 20/3/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.
Trong đó, một điểm đáng chú ý là trụ sở chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ là đối tượng giám sát thuộc trách nhiệm giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
NHNN công bố mục đích và sự cần thiết của việc phải sửa đổi quy định này dựa trên các cơ sở về hoạt động của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng với việc cơ quan này đã được rà soát, sắp xếp, kiểm toán, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, bảo đảm là nòng cốt, hoạt nhân của thanh tra giám sát ngân hàng, phù hợp với mô hình tổ chức và có cơ sở pháp lý.
Đáng chú ý, cũng theo NHNN, qua thời gian thực hiện trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với các đối tượng thanh tra, giám sát theo phân công trách nhiệm, cơ quan quản lý đã nhận thấy có một số bất cập.
Cụ thể, quy định hiện hành về mạng lưới hoạt động của TCTD không bao gồm đơn vị trụ sở chính nhưng pháp luật hiện hành không cấm trụ sở chính hoạt động kinh doanh.
Hiện nay, trụ sở chính/bộ phận thuộc trụ sở chính của TCTD đang thực hiện hoạt động kinh doanh, bao gồm hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và có xu hướng mở rộng hoạt động.
Hoạt động kinh doanh của trụ sở chính của các TCTD chưa được quy định rõ là đối tượng thanh tra của Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh (trừ quỹ tín dụng nhân dân); đồng thời, qua rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng như phân công chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) cho thấy chưa có quy định cụ thể đơn vị nào trong Cơ quan TTGSNH có trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với trụ sở chính/bộ phận thuộc Trụ sở chính của TCTD phát sinh hoạt động kinh doanh.
Hiện NHNN chi nhánh đang được giao kiểm tra, kiểm duyệt file báo cáo đơn vị Trụ sở chính của các TCTD trên địa bàn.
Theo NHNN, việc chưa có quy định cụ thể đơn vị nào (NHNN chi nhánh/đơn vị có liên quan trong Cơ quan TTGSNH) có trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với Trụ sở chính/bộ phận thuộc trụ sở chính của TCTD phát sinh hoạt động kinh doanh sẽ tạo ra kẽ hở trong hoạt động thanh tra, giám sát, có thể tạo rủi ro mất an toàn hoạt động đối với từng TCTD nói riêng và hệ thống các TCTD nói chung.
Ghi nhận thực tế từ thị trường cho thấy, hầu hết tại các trụ sở chính của các TCTD hiện nay đều thực hiện hoạt động kinh doanh với mô hình Trung tâm Kinh doanh hoặc Chi nhánh chính thuộc Hội sở 1, Hội sở 2... tùy thuộc quy mô của các ngân hàng. Hầu hết các địa điểm hoạt động kinh doanh này, gắn với trụ sở của các nhà băng, đều đặt ở các địa bàn có nhu cầu tín dụng và giao dịch tài chính lớn như Hà Nội, Tp HCM. Cá biệt có một vài ngân hàng nông thôn trước đây, nay đã chuyển lên thành thị, trụ sở chính vận hành toàn bộ hệ thống hoạt động lẫn thực hiện hoạt động kinh doanh trực tiếp, tuy đặt ở đô thị lớn song trên giấy tờ đăng ký vẫn giữ và gắn với chi nhánh-phòng giao dịch kinh doanh ở địa phương ban đầu. Cũng theo ghi nhận, hầu hết các trung tâm kinh doanh của các ngân hàng gắn với trụ sở, hội sở, đều được đầu tư lớn, có quy mô và hoạt động mở rộng.
L. MỹTheo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.