Học bạ “long lanh” và nỗi lo nguồn lực con người
Suy đến cùng, chất lượng của nguồn lực con người được quyết định bởi chất lượng của giáo dục và đào tạo.
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: ĐHQGHN
“Chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất “long lanh” nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Vì vậy, những trường dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển học bạ phải đặc biệt lưu ý khi tuyển sinh”. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị tuyển sinh được tổ chức trực tuyến với tất cả các trường Đại học mới đây.
Khách quan mà nói, ngành giáo dục năm nay cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nên nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì tâm lý của học sinh căng thẳng sau 3 tháng nghỉ chống dịch, nên kỳ thi phải tổ chức theo hướng hỗ trợ thuận lợi nhất cho các em.
Trong bối cảnh dịch bệnh, không có phương án nào hoàn hảo, nhưng thi tốt nghiệp THPT là phương án tốt nhất Bộ để lựa chọn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cân nhắc rất kỹ, xin ý kiến các bộ ngành, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để đưa ra phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa phù hợp với lộ trình đổi mới và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Thực tế, trước tình hình dịch bệnh, các trường đại học lo lắng về kỳ tuyển sinh đại học, đó là việc đương nhiên và hoàn toàn chính đáng. Việc xét tuyển đại học chỉ căn cứ vào học bạ, có thể nhàn cho các trường và dễ tuyển sinh, nhưng chúng ta có căn cứ để băn khoăn về chất lượng đầu vào.
Có một nỗi lo chung hiện nay đó là trong cơn sóng của bệnh thành tích giáo dục - nó được ví như một “con ngựa bất kham”. Theo đó, căn bệnh thành tích đã chi phối và điều chỉnh cả chính lương tâm, trách nhiệm của không ít cơ sở giáo dục các địa phương, trường học, của chính ngành giáo dục. Căn bệnh đó lại “hợp duyên” với tâm lý các bậc cha mẹ, tự lúc nào đã “hợp tác” một cách cố tình khi chính các ông bố bà mẹ cũng chuẩn bị, lo cho hồ sơ học tập, học bạ của con cái mình thật… đẹp, bằng điểm số.
Điểm số lại được quyết định bởi các giáo viên, những người cần cầm cân nảy mực lẽ ra phải công bằng, nhưng đang bị căn bệnh thành tích… chế ngự. Bằng tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp. Bằng những cái “danh hư” nhưng có sức mạnh thật để lên lương, lên chức trong màu cờ sắc áo…
Nó đã trở thành nỗi hoảng sợ, đến chóng mặt, trước hết là của các nhà giáo và sau là dư luận, cũng như nỗi lo về nguồn lực con người cho đất nước. Tức là, người giáo viên cần thực hiện đúng và đầy đủ đạo đức nghề nghiệp. Lực học của các em đến đâu phải đánh giá khách quan, như vậy mới có thực lực. Chứ còn tiếp tục có hiện tượng thành tích thì chất lượng của ngành giáo dục của chúng ta sẽ khó đáp ứng.
Trong bối cảnh để tiến sâu vào nền kinh tế thị trường, hội nhập với quốc tế, thì kinh tế tri thức chính là giai đoạn phát triển mới của lực lượng sản xuất. Phát triển kinh tế tri thức là xu thế tất yếu trong quá trình sản xuất vật chất của xã hội. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải gắn với phát triển kinh tế tri thức. Phát triển kinh tế tri thức tạo nên bước đột phá trong sự phát triển của lực lượng sản xuất và đó cũng chính là cách thức để chúng ta “rút ngắn” quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Mà muốn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế tri thức, chúng ta nhất thiết phải quan tâm đến phát triển giáo dục và đào tạo. Trong khi tri thức con người không phải tự nhiên mà có. Trái lại, phải thông qua giáo dục và đào tạo mới có được. Chức năng của giáo dục và đào tạo là biến những giá trị văn hóa của xã hội thành tài sản của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng.
Từ những tài sản riêng đó, mỗi người lại góp phần nhân lên những tài sản văn hóa của xã hội, nâng cao trình độ trí tuệ cho cả cộng đồng. Chính vì thế mà có thể nói rằng, giáo dục và đào tạo là khuôn đúc con người, là nguyên nhân trực tiếp quyết định chất lượng nguồn lực con người, là nguyên nhân sâu xa làm gia tăng hàm lượng chất xám trong cơ cấu giá trị sản phẩm của lao động.
Nói như vậy để thấy, việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý về “điểm trong học bạ “long lanh” nhưng chưa chắc chất lượng đã cao”, cũng như là lời nhắc nhở các trường cần phải cẩn trọng, thực chất hơn trong công tác đánh giá, tuyển sinh và đào đạo.
Nếu bản thân ngành giáo dục và đào tạo không làm tốt vài trò, trách nhiệm của mình thì sẽ cho ra lò nguồn lực con người có chất lượng kém, nó sẽ là nguồn cơn kéo lùi sự phát triển.
Theo Enternews
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.