Bài học đắt giá cho việc kinh doanh thiếu trách nhiệm là những bê bối gây nhức nhối dư luận, dấy lên làn sóng tẩy chay một thời: Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải, Formosa xả thải làm cá chết hàng loạt… Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội hay CSR đang ngày càng được chú ý hơn tại môi trường kinh doanh Việt Nam.

Người tiêu dùng ngày nay không chỉ đánh giá một thương hiệu dựa trên giá trị sản phẩm hay dịch vụ, mà còn ở tác động và trách nhiệm của chính thương hiệu ấy tới toàn xã hội. CSR đang là thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều, đặc biệt trong thời kỳ bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19. CSR (Corporate Social Responsibility) hay còn được gọi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là những hoạt động và cam kết của doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của người lao động nói riêng và xã hội nói chung.

Học cách làm CSR Marketing từ những thương hiệu lớn mùa COVID-19 - Ảnh 1.

CSR – Công cụ quảng bá mạnh mẽ và định hình cho thương hiệu

Bài học đắt giá cho việc kinh doanh thiếu trách nhiệm là những bê bối gây nhức nhối dư luận, dấy lên làn sóng tẩy chay một thời: Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải, Formosa xả thải làm cá chết hàng loạt… Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội hay CSR đang ngày càng được chú ý hơn tại môi trường kinh doanh Việt Nam. Doanh nghiệp phát triển đều là những doanh nghiệp có ý thức và hành động vì xã hội.

Theo cuộc khảo sát của Nielsen tiến hành năm 2014, có đến 73% người ở Việt Nam khi được hỏi, chấp nhận trả mức giá cao hơn cho sản phẩm của các công ty có uy tín về CSR. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội và tích cực tìm kiếm sản phẩm từ các doanh nghiệp hoạt động có đạo đức. CSR chứng minh rằng doanh nghiệp quan tâm đến các vấn đề xã hội rộng lớn hơn, thay vì chỉ tập trung đến lợi nhuận. Điều này sẽ thu hút nhiều khách hàng, nhất là trong thời điểm đại dịch hoành hành.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ngày nay, các doanh nghiệp coi trọng trách nhiệm xã hội luôn giành được sự chú ý của người tiêu dùng. Các dự án doanh nghiệp thực hiện có thể giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội cơ bản và giữ cho doanh nghiệp luôn được nhớ đến.

Để có một thương hiệu thành công và giữ chân khách hàng, các doanh nghiệp phải tạo niềm tin với đối tượng mục tiêu của họ. Một chiến lược CSR có thể giúp xây dựng danh tiếng tốt cũng như tạo được niềm tin và lòng trung thành của người tiêu dùng.

Học cách làm CSR Marketing từ những thương hiệu lớn mùa COVID-19 - Ảnh 2.

5 concept hoạt động CSR tiêu biểu

Để xây dựng một chương trình CSR, doanh nghiệp cần phải có mục tiêu rõ ràng, hướng tiếp cận dài hạn, cân nhắc các nguồn lực, yếu tố thị trường và đặc biệt cần thái độ chân thành. Dưới đây là 5 concept hoạt động CSR tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

Học cách làm CSR Marketing từ những thương hiệu lớn mùa COVID-19 - Ảnh 3.

Hỗ trợ cơ sở hạ tầng, công nghệ cho đội ngũ y tế

Sản xuất thiết bị: Vingroup là một ví dụ thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc tận dụng hạ tầng công nghệ, đội ngũ để sản xuất máy thở, hỗ trợ Bộ Y tế. 

Hỗ trợ mặt bằng, phương tiện để làm khu cách ly tập trung: Khi lượng người cần cách ly ngày càng lớn, FPT đã đóng góp 20 tỉ đồng và dọn dẹp 2.000 chỗ ở tại ký túc xá để làm khu cách ly tập trung. Ý tưởng này của FPT vừa có thể tạo thành một hoạt động gắn kết nội bộ, cùng chung tay làm việc tốt, vừa tạo được hiệu ứng tích cực cho truyền thông ra ngoài xã hội. 

Hỗ trợ lưu trú cho đội ngũ y tế: Tập đoàn Mường Thanh đã tài trợ khách sạn 4 sao của mình để làm nơi nghỉ ngơi cho các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai – nơi tuyến đầu chống dịch, để họ cảm thấy được quan tâm thực sự mà không bị kỳ thị.

Học cách làm CSR Marketing từ những thương hiệu lớn mùa COVID-19 - Ảnh 4.

Hỗ trợ nguồn lực, sức khoẻ của cán bộ đầu tuyến

Hỗ trợ lương thực: “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực sản xuất thành công 3.000 ổ bánh mì dưỡng chất gửi tặng đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp chống chọi với dịch COVID-19. 

Đóng góp, huy động nguồn lực: Chiến dịch “Vạn lá chắn yêu thương” của Báo điện tử Dân trí đã kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đóng góp 20.000 khẩu trang cho tuyến đầu chống dịch. Đây cũng là một ý tưởng rất hay, mang tính nhân văn.

Hỗ trợ giải pháp công nghệ thời 4.0

Thiết kế, sáng tạo phần mềm: Các doanh nghiệp về công nghệ thông tin, viễn thông sáng tạo, tận dụng lợi thế sẵn có của mình để thiết kế các phần mềm, cung cấp giải pháp hỗ trợ công tác chống dịch của Chính phủ.

Hỗ trợ dạy/học online, làm việc từ xa: Trong bối cảnh giãn cách xã hội, học sinh phải nghỉ học ở nhà, nhiều doanh nghiệp bố trí cho nhân sự làm việc từ xa, việc hỗ trợ các giải pháp công nghệ, kỹ năng WFH hay cung cấp các chương trình dạy/ học online cũng là ý tưởng CSR thiết thực. Doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo còn cung cấp các hội thảo, khoá học trực tuyến phi lợi nhuận.

Đóng góp chất xám vào công tác chống dịch

Tham gia cuộc chiến chống tin giả: Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh, bất kỳ ai cũng có thể là một nguồn phát thông tin sai sự thật, lan truyền rộng rãi, gây hoang mang dư luận. Le Group là một trong số những đơn vị tiên phong trong cuộc chiến chống tin giả. Đây là một hoạt động CSR đầy ý nghĩa với cộng đồng trong thời điểm này.

Tư vấn giải pháp và chính sách: Đây là CSR mang tính dài hạn, bao gồm việc hỗ trợ chính sách và giải pháp cho các doanh nghiệp. Đại học Kinh tế Quốc dân đã thực hiện một nghiên cứu và đề xuất các giải pháp vĩ mô dành cho chính phủ trong dịch bệnh và hậu dịch bệnh.

Học cách làm CSR Marketing từ những thương hiệu lớn mùa COVID-19 - Ảnh 6.

Hỗ trợ thực tiễn cộng đồng và doanh nghiệp

Giảm thiểu rủi ro cho nhân viên và cộng đồng: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hướng đến một nhóm đối tượng công chúng rất rõ ràng. VPBank đã mua 40.000 suất bảo hiểm cho các cán bộ, nhân viên và gia đình của họ. Tương tự, VNPost đã có những chương trình để bảo vệ những đội ngũ giao hàng, chuyển phát để họ có thể thực hiện công việc trong điều kiện an toàn.

Học cách làm CSR Marketing từ những thương hiệu lớn mùa COVID-19 - Ảnh 7.

Vận động, tham gia, đóng góp gây quỹ hỗ trợ: Tuy mang tính ngắn hạn nhưng xu hướng này có tính thực dụng cao. Những tấm ảnh về chiếc ATM phát gạo của PHGLock được chia sẻ với tốc độ chóng mặt đã vô tình đưa tên tuổi của thương hiệu đến gần hơn với công chúng. Đây là một doanh nghiệp quy mô vừa phải nhưng họ đã đã giải quyết vấn đề khó khăn cho một nhóm người.

Ngày này, lợi nhuận không còn là mục đích duy nhất của doanh nghiệp, mà họ còn xem xét làm thế nào để có thể trả lại cho xã hội. Điều này có thể giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng và giữ chân nhân viên một cách hiệu quả. Sự hài lòng của khách hàng và giữ chân nhân viên cũng chính là chìa khoá thành công cho bất kỳ doanh nghiệp nào.


16/06/2021 09:34