Học sinh Hà Nội, TP.HCM có thể nghỉ hè muộn hơn mọi năm
Do học sinh có lịch học trực tuyến kéo dài nên Sở GD&ĐT Hà Nội và TP.HCM đang lên kế hoạch kéo dài thêm thời gian năm học để các nhà trường có kế hoạch dạy học, củng cố kiến thức, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang đề xuất và chờ ý kiến của Bộ GD&ĐT cùng UBND TP Hà Nội về việc cho phép học sinh toàn thành phố lùi thời gian kết thúc năm học.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo quy định về khung thời gian năm học của UBND TP phê duyệt, các trường kết thúc năm học trước ngày 31/5, trong đó có 2 tuần dự phòng.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu các nhà trường nhận thấy cần thiết, có thể tận dụng khoảng thời gian 2 tuần cuối năm học để bù đắp, củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh đảm bảo, từ lớp 1-11 kết thúc năm học chậm nhất là 31/5.
"Riêng học sinh lớp 12, các nhà trường kéo dài năm học hơn nhằm cho học sinh ôn tập, đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc kéo dài thời gian năm học bao lâu, phụ thuộc các trường để các đơn vị chủ động đảm bảo chất lượng dạy và học.
Trước tình hình năm học vừa qua học sinh trên toàn thành phố Hà Nội học trực tuyến kéo dài, do vậy Sở GD&ĐT đề xuất lùi thời gian kết thúc năm học so với dự kiến để các em có thêm thời gian ôn tập", lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho hay.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết, dự kiến các trường tiểu học trên toàn TP sẽ kéo dài thời gian năm học, còn học sinh THCS - THPT kết thúc năm học đúng kế hoạch.
“Lý do, bậc tiểu học học trực tuyến kéo dài, đến trường học trực tiếp muộn hơn các cấp học khác. Do đó, cần kéo dài thêm thời gian năm học để các nhà trường có kế hoạch dạy học, cũng cố kiến thức, đảm bảo chất lượng giáo dục”, ông Hiếu nói.
Theo đánh giá của các giáo viên, đa số học sinh đều đọc tốt, đáp ứng chương trình nhưng chữ viết không được như những lứa trước và rất cần thời gian để học sinh rèn luyện, tiến bộ dần. Vẫn còn một số học sinh tiếp thu chậm, giáo viên phải dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ. Thời điểm này các con mới quay lại trường, làm quen với bạn, với cô nên khó có thể đòi hỏi tiến bộ nhanh.
Được biết trước đó, trong công văn gửi các Sở GD&ĐT, các trường THPT trực thuộc, Bộ GD&ĐT cho phép các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học để ứng phó với dịch COVID-19.
Các trường vẫn còn quỹ thời gian hai tuần dự phòng để thực hiện kế hoạch năm học. Nếu thực sự cần thiết, địa phương có thể nới khung thời gian năm học rộng hơn so với quy định để học sinh có thêm thời gian bù đắp khoảng trống về kiến thức, kỹ năng do trước đó phải thực hiện năm học bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh.
Việc linh hoạt thực hiện khung thời gian năm học có thể áp dụng trên phạm vi địa bàn nhỏ nhất là phường, xã đối với đối tượng học sinh nhỏ nhất là trẻ mầm non, tiểu học trên tinh thần ưu tiên về chất lượng và để các trường có khoảng thời gian nhất định sau khi kết thúc năm học, chuẩn bị cho năm học mới kế tiếp.
Riêng năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT đã hai lần điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học và lùi thời gian thi tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Lần lùi thứ nhất, thời điểm kết thúc năm học được quyết định vào trước 30/6/2020 và thi tốt nghiệp THPT vào ngày 23- 26/7/ 2020.
Ở lần lùi thứ hai, thời gian kết thúc năm học là 15/7/2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức vào các ngày 8 ,9, 10, 11/8/2020.
HM (T/h)Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".