Học sinh tiểu học TP.HCM đi học lại thế nào sau Tết?

Giáo dục
02:04 PM 18/01/2022

Ngày 18/1, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức họp trực tuyến về công tác chuẩn bị đón học sinh tiểu học trở lại trường. Theo đó, tùy mức độ dịch, học sinh có thể đi học lại 2 buổi/ngày, bán trú hoặc tiếp tục học trực tuyến nếu trường nằm trong vùng đỏ.

Sở GD&ĐT TPHCM đã đề xuất lộ trình cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 - 6 sẽ đến trường học trực tiếp từ 14/2. Cùng với mốc thời gian, Sở GD&ĐT cũng xây dựng kế hoạch chi tiết việc đến trường của bậc Tiểu học.

Sở yêu cầu với các trường ở khu vực có cấp độ dịch 1, 2, 3 khi đón học sinh đi học trở lại, giáo viên dành thời gian hướng dẫn cho học sinh các thói quen phòng dịch COVID-19 tại trường, xây dựng lại nề nếp học tập cho học sinh, nắm bắt, phân loại các học sinh theo từng nhóm căn cứ vào thời lượng tham gia học tập trên môi trường Internet và khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh.

Các đơn vị tổ chức ôn tập kiến thức đã học trong giai đoạn học trên môi trường Internet trong tuần đầu tiên và xây dựng kế hoạch chuẩn bị kiểm tra định kì cuối học kì I đối với học sinh các khối lớp 1, 2.

Cụ thể Sở cũng lên kế hoạch thành 4 khu vực.

Học sinh tiểu học TP.HCM đi học lại thế nào sau tết? - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học ở huyện Cần Giờ, TP.HCM, năm học 2021-2022 - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 1 (vùng xanh)

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM, trong tuần đầu tiên khi học sinh trở lại, nhà trường có thể bắt đầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc bán trú cho tất cả các khối theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh.

Giáo viên dành thời gian hướng dẫn cho học sinh các thói quen phòng dịch COVID-19 tại trường, xây dựng lại nền nếp học tập, nắm bắt, phân loại học sinh theo từng nhóm dựa vào thời lượng tham gia học trực tuyến, khả năng tiếp thu và ôn tập kiến thức. Nhà trường đồng thời xây dựng kế hoạch chuẩn bị kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 1 đối với học sinh khối lớp 1, 2.

Trong tuần thứ hai, các trường tổ chức đầy đủ hoạt động giáo dục theo tiến độ chương trình và tổ chức dạy kiến thức cốt lõi của bài mới theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Học sinh lớp 1, 2 sẽ được kiểm tra định kỳ trong tuần thứ ba khi trở lại trường.

Cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 2 (vùng vàng)

Sở GD&ĐT đưa ra hướng dẫn đối với các cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 2 (vùng vàng) tương tự như cấp độ 1. Điểm khác biệt là các trường thuộc khu vực cấp độ 2 chỉ được tổ chức cho học sinh lớp 3, 4, 5 đi học một buổi/ngày.

Cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 3 (vùng cam)

Đối với khu vực cấp độ 3 (vùng cam), Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp một buổi/ngày đối với khối lớp 1, 2 trong tuần đầu tiên và tuần thứ 2. Còn học sinh lớp 3, 4, 5 tiếp tục học trực tuyến.

Cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 4 (vùng đỏ)

Tại khu vực cấp độ 4 (vùng đỏ), các trường được Sở GD&ĐT hướng dẫn tiếp tục dạy học trực tuyến. Các cơ sở giáo dục sẽ tập trung thực hiện theo đúng tiến độ chương trình ở những môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh (đối với lớp 1, 2, 3); và toán, tiếng Việt, tiếng Anh, khoa học, lịch sử và địa lý (đối với lớp 4, 5). Đối với các môn học khác, trường sắp xếp thành chủ đề, tổ chức dạy học kiến thức cốt lõi.

Sở GD&ĐT cũng khuyến khích các công ty, tổ chức, trung tâm đang cung cấp chương trình học tiếng Anh với người nước ngoài, xây dựng công cụ học tập, rèn luyện, dạy bài mới theo hình thức trực tuyến và triển khai thực hiện trên cơ sở đạt được thỏa thuận với cha mẹ học sinh.

Học sinh tiểu học TP.HCM đi học lại thế nào sau tết? - Ảnh 2.

Tùy theo mức độ dịch, nếu cấp độ dịch thay đổi thì hình thức dạy học sẽ thay đổi (Ảnh: NGUYỄN LOAN)

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Trịnh Duy Trọng, trưởng phòng chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT), cho biết hình thức dạy học của các trường cũng sẽ thay đổi tùy theo tình hình thực tế ở từng thời điểm khác nhau.

"Đầu tuần trường có thể tổ chức dạy học trực tiếp theo cấp độ 1, nhưng nếu cuối tuần cấp độ dịch của địa phương thay đổi lên cấp độ 2, cấp độ 3 thì trường lập tức thay đổi hình thức dạy học theo cấp độ tương ứng. Việc tổ chức dạy học như thế này sẽ khiến các trường gặp khó khăn nhưng chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ và linh động thay đổi hình thức dạy học.

Chúng ta không có thời gian thích ứng, thích nghi như bậc THCS, THPT nên khi tổ chức sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Học sinh nhỏ tuổi, đặc biệt như lớp 1, 2 mới chỉ 6 tuổi lại chưa được tiêm vắc xin, kỹ năng ý thức có đặc thù khác nên yêu cầu đòi hỏi phòng chống dịch của các trường rất cao và khó hơn rất nhiều. Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ để tổ chức đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh, vì chúng ta không có thời gian làm quen", ông Trọng nói.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn