Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, đón nhận danh hiệu ‘Anh hùng LLVT nhân dân’

Sự kiện
03:13 PM 25/10/2021

Sáng 25/10, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống (25/10/1951-25/10/2021) và đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”.

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, đón nhận danh hiệu ‘Anh hùng LLVT nhân dân’ - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh duyệt Đội Danh dự tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng. Ảnh: VGP/Hải Minh

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tới dự.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Trung tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện ôn lại quá trình hình thành, phát triển của Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

Cách đây 70 năm, thắng lợi của chiến dịch Biên Giới năm 1950 đã tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân đã trưởng thành vượt bậc, cả về số lượng và chất lượng. Lần lượt các đại đoàn chủ lực được thành lập và chuyển hoạt động tác chiến từ phân tán sang tập trung, từ đánh nhỏ sang đánh lớn, điều đó đặt ra yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với LLVT nhân dân, xây dựng quân đội về chính trị.

Thực hiện chủ trương của Đảng đối với LLVT nhân dân và từ kết quả và kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức 2 lớp bồi dưỡng chính trị ngắn hạn cho cán bộ quân đội, tháng 7/1951, Tổng Quân ủy đã ra quyết định thành lập Trường Chính trị Trung cấp QĐND Việt Nam, tiền thân Học viện Chính trị ngày nay. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Tổng Quân ủy cử kiêm Giám đốc Nhà trường.

Ngày 25/10/1951, tại bản Nà Lang, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, khóa học đầu tiên được đón Bác Hồ đến thăm và huấn thị. Người nhấn mạnh: “Phải học tập chính trị, quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.

Sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ cùng với lời huấn thị thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, trở thành tài sản tinh thần quý báu, mãi mãi soi đường, định hướng cho mọi hoạt động của Học viện và sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị của quân đội ta. Ngày 25/10/1951 là dấu mốc lịch sử quan trọng và trở thành Ngày Truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị.

Với 7 lần thay đổi tên gọi, 10 lần thay đổi địa điểm đóng quân, song dù với tên gọi nào, ở bất cứ đâu, Học viện cũng luôn giữ vững bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đi dân nhớ, ở dân thương, làm dân tin.

Trong 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Học viện vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 3 Huân chương Quân công, 3 Huân chương Chiến công, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Học viện cũng được Nhà nước Lào tặng 3 Huân chương Tự do, Vương Quốc Campuchia tặng 1 Huân chương Hữu nghị.

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, đón nhận danh hiệu ‘Anh hùng LLVT nhân dân’ - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh gắn Huy hiệu Anh hùng LLVT lên quân kỳ Học viện Chính trị. Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh gửi tới các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Học viện qua các thời kỳ, các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình các liệt sĩ của Học viện những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Phó Thủ tướng Thường trực chúc mừng Học viện lần thứ 2 đón nhận danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân", cho rằng đó là thành quả được tạo nên bởi công lao, trí tuệ rất đáng trân trọng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Học viện trong suốt 7 thập kỷ qua.

Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân cùng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước ta và của Nhà nước Lào, Campuchia là sự ghi nhận và đánh giá rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân ta cũng như của các nước bạn bè về thành tích xuất sắc và đóng góp quan trọng của Học viện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong làm nhiệm vụ quốc tế; đồng thời là sự khẳng định về uy tín lớn của Học viện trong quân đội và trong hệ thống giáo dục - đào tạo của cả nước, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, việc thành lập Trường Chính trị trung cấp quân đội (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay) vào năm 1951, chỉ vài năm sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Từ ngày đầu thành lập trên núi rừng Việt Bắc cho đến nay, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Học viện đều quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, bám sát thực tiễn đất nước và nhiệm vụ của quân đội; chủ động thực hiện toàn diện các mặt công tác, đóng góp quan trọng trong xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị; cùng toàn dân, toàn quân chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là giáo dục đào tạo, Học viện Chính trị luôn phát huy tốt tinh thần chủ động vượt khó, không ngừng đổi mới sáng tạo; làm tốt nhiệm vụ đào tạo, vừa tham gia chiến đấu. Chất lượng đào tạo ngày một đổi mới về phương thức đào tạo theo nhu cầu thực tiễn chiến trường là sự sáng tạo rất đáng ghi nhận của Học viện trong thời chiến.

Trong thời bình, Học viện luôn quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục và đào tạo; đã chọn được hướng đi đúng đắn; xác định rõ mô hình, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với thực tiễn.

Gần 90.000 cán bộ chính trị được đào tạo, bồi dưỡng từ Học viện, trong đó có gần 1.000 đồng chí trở thành tướng lĩnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, giữ linh hồn, mạch sống của Đảng trong quân đội. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của quân đội, của Đảng và Nhà nước.

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học luôn được chú trọng, qua đó giúp Học viện có nhiều công trình nghiên cứu quy mô, có giá trị và sức lan tỏa lớn trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn quân sự.

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, đón nhận danh hiệu ‘Anh hùng LLVT nhân dân’ - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Thường trực thăm triển lãm sách trong khuôn khổ sự kiện. Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao Học viện xác định mục đích của việc nghiên cứu trước hết là để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đồng thời cung cấp những khuyến nghị, đề xuất cho Đảng, Nhà nước, quân đội về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị.

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Học viện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng, tập trung nghiên cứu, vận dụng những quan điểm, tư tưởng mới của Đảng về phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT nhân dân và quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực hiện tốt “Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong quân đội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và quân đội thành các nội dung nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng sát với đặc điểm, tình hình, đối tượng đào tạo của Học viện.

Học viện cần đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội nhân dân; chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” và âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Các thế hệ cán bộ, học viên được tôi luyện qua Học viện phải là những cán bộ vững vàng về lập trường tư tưởng, những chính ủy, chính trị viên mẫu mực về phẩm chất, sắc bén về lý luận, sáng tạo trong thực tiễn, giỏi về công tác chính trị, là hạt nhân lãnh đạo, trung tâm đoàn kết, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Đồng thời, Học viện cần tăng cường công tác nghiên cứu để giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và đóng góp vào quá trình hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT nhân dân trong thời kỳ mới; chú trọng công tác dự báo chiến lược, tránh để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, đón nhận danh hiệu ‘Anh hùng LLVT nhân dân’ - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Thường trực trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Học viện. Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Học viện hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhà khoa học có năng lực và trình độ cao; phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành về khoa học xã hội và nhân văn quân sự./.

Hải Minh
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.