Hội Hữu nghị Việt Nam- Camphuchia: Chương trình “Ươm mầm Hữu nghị”- Nhịp cầu đoàn kết giữa hai dân tộc
Trong không khí vui mừng, phấn khởi của Nhân dân hai nước Việt Nam- Campuchia chào mùng kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kỷ niệm 69 năm Quốc khánh Vương quốc Campuchia (ngày 9/11/1953-9/11/2022), trong khuôn khổ Chương trình gặp gỡ hữu nghị và giao lưu Nhân dân hai nước Việt Nam- Campuchia lần thứ 5, ngày 6/11/2022, tại tỉnh Bình Phước, Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình “Ươm mầm Hữu nghị” đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các tổ chức hữu nghị Nhân dân hai nước.
Theo đó, Chương trình "Ươm mầm Hữu nghị" ra đời vào mùa Xuân năm 2012 trong bối cảnh quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam- Campuchia phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác trên lĩnh vực giáo dục- đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Qua 10 năm thực hiện Chương trình, đã được sự ủng hộ, cổ vũ, động viên kịp thời của Lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương hai nước, sự giúp đỡ tích cực của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Campuchia tại Việt Nam, cùng sự nhiệt tình hưởng ứng, tham gia của các cấp hội, hội viên, các bạn sinh viên Campuchia, là sự hỗ trợ, giúp đỡ chân thành về vật chất cũng như tinh thần của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Bên cạnh những thuận lợi, Chương trình còn gặp không ít khó khăn- nhất là nguồn lực tài chính còn rất hạn hẹp, hoàn toàn dựa vào khả năng vận động xã hội và điều kiện thực tế của mỗi tập thể, mỗi gia đình, cá nhân tình nguyện tham gia Chương trình.
Báo cáo tổng kết của Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia nêu rõ: Trong 10 năm qua, Chương trình "Ươm mầm Hữu nghị" được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt, thiết thực và hiệu quả, đó là:
- Tập thể, gia đình, cá nhân tự nguyện tham gia nhận đỡ đầu trực tiếp một hoặc một số sinh viên dưới hình thức "con nuôi", trên cơ sở được sự đồng ý, giới thiệu của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Campuchia tại Việt Nam.
- Hỗ trợ trang thiết bị cần thiết để cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập của sinh viên tại các cơ sở giáo dục -đào tạo, khen thưởng, trao tặng học bổng cho các sinh viên có tinh thần vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập, thăm hỏi động viên, tặng quà sinh viên hoàn cảnh khó khăn hoặc khi ốm đau.
- Hỗ trợ sinh viên tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu hữu nghị, tiếp xúc với cựu chuyên gia, cựu quân nhân tình nguyện; tổ chức các sự kiện nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, các ngày lễ lớn của hai nước và của mỗi nước; phối hợp tổ chức đưa, đón sinh viên tham quan, tìm hiểu thực tế tại các khu di tích lịch sử, cơ sở văn hóa, kinh tế xã hội, danh lam thắng cảnh ở các địa phương.
- Theo dõi, nắm tình hình, đề xuất, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương quan tâm, giải quyết kịp thời các kiến nghị của sinh viên liên quan đến chế độ, chính sách, hỗ trợ tháo gỡ khó hăn, vướng mắc các cơ sở giáo dục-đào tạo có sinh viên Campuchia đang theo học.
Đáng chú ý là, phong trào đỡ đầu trực tiếp, khởi sự ban đầu chỉ có 12 gia đình, hầu hết là lãnh đạo Trung ương Hội, cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện, đã từng gắn bó với đất nước và nhân dân Campuchia trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhận đỡ đầu 34 sinh viên đang học tập tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Bình. Đến nay, Chương trình đã phát triển ở hầu hết các tỉnh, thành phố có sinh viên Campuchia đang theo học, với sự tình nguyện tham gia của trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên. Cùng với đó là phong trào ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên diển ra sôi nổi ở các cấp hội, với sự đồng hành, bảo trợ của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội- từ thiện, các nhà hảo tâm...Các cấp hội đã chủ động phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam các cấp, tổ chức hàng trăm hoạt động hỗ trợ hàng nghìn lượt sinh viên, với các hình thức khen thưởng, tặng quà, trao học bổng, trang cấp thiết bị, vật dụng thiết yếu...với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, góp phần thiết thực giúp đỡ sinh viên an tâm học tập, cải thiện đời sống, sinh hoạt văn hóa, tinh thần vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi nước. Từ đó, tạo điều kiện giúp các em học tập tốt, đạt loại khá, giỏi, xuất sắc trong các kỳ thi tốt nghiệp. Sau khi về nước, các bạn đều có công việc làm ổn định, phù hợp với chuyên ngành đào tạo và có nhiều cơ hội phát triển tốt, trong số đó, có bạn đã học lên cao học, thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều bạn vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên với các gia đình, tập thể, cá nhân đỡ đầu như những người thân gắn bó trong gia đình, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa Nhân dân hai nước Việt Nam- Campuchia.
Đây là Chương trình giàu tính nhân văn, mang đậm truyền văn hóa của hai dân tộc, có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành một phong trào trên cả nước, được lãnh đạo cấp cao và Nhân dân hai nước ghi nhận, đánh giá cao sáng kiến cùng những kết quả đạt được của Chương trình. Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni hoan nghênh và coi Chương trình là nhịp cầu hữu nghị lâu dài từ thế hệ này qua thế hệ khác giữa hai dân tộc Việt Nam- Campuchia. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đánh gía cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình, đồng thời giao nhiệm vụ cho hai Hội hữu nghị của hai nước có trách nhiệm chăm lo giáo dục, giúp đỡ thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên hai nước có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Nhân dân hai nước.
Minh YếnĐại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit năm 2024 đã khép lại sau hai ngày tổ chức với gần 50 bài tham luận và phiên tham luận lớn nhỏ. Sự kiện tiếp tục ghi dấu một mùa thành công khi đã thu hút gần 1000 lượt người tham dự, cùng hàng trăm tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.