Hội nghị Ban Chỉ đạo nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá

Địa phương
09:33 PM 09/05/2023

Sáng 8/5, Ban Chỉ đạo 902 của tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị cho ý kiến về kế hoạch tiếp tục thực hiện việc triển khai Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa trong thời gian tới. Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì hội nghị.

Đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa nhằm mở rộng không gian đô thị, xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I, có vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh; góp phần phát triển thành phố Thanh Hóa nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, nhất là dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao.

Hội nghị Ban Chỉ đạo nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá - Ảnh 1.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 902 phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ đã trình bày báo cáo tiến độ thực hiện Đề án. Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình tự thủ tục nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa, đến nay, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, UBND thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đã hoàn thành một số nội dung công việc, gồm: hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 theo Quyết định số 259 ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, lấy ý kiến các địa phương thuộc thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn; đang khẩn trương thực hiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa, đề nghị công nhận thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đạt tiêu chí đô thị loại I và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn dự kiến thành lập phường.

Ngày 30/3/2023, Sở Nội vụ đã có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ hướng dẫn một số vấn đề trong xây dựng, thực hiện đề án nhập đơn vị hành chính. Theo kết quả rà soát, có 19/48 đơn vị hành chính cấp phường, xã của TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025. 

Trong đó, TP Thanh Hóa có 10 phường, xã gồm: Trường Thi, Điện Biên, Lam Sơn, Ba Đình, Ngọc Trạo, Đông Sơn, Tân Sơn, Thiệu Vân, Hoằng Đại, Đông Vinh; huyện Đông Sơn có 9 xã gồm: Đông Tiến, Đông Thanh, Đông Thịnh, Đông Minh, Đông Ninh, Đông Hoàng, Đông Hòa, Đông Yên, Đông Phú. Có 3 xã đang dự kiến thành lập phường là Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Thịnh.

Hội nghị Ban Chỉ đạo nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá - Ảnh 2.

Ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ trình bày báo cáo tiến độ thực hiện Đề án

Đến ngày 13/4/2023, Bộ Nội vụ đã có công văn hướng dẫn lập hồ sơ, Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Cụ thể, thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. 

Theo đó, Bộ Nội vụ có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá nghiên cứu, lồng ghép nội dung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hoá vào trong hồ sơ Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hoá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hội nghị Ban Chỉ đạo nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá - Ảnh 3.

Ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa phát biểu thảo luận.

 Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo 902 đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho chủ trương lùi thời gian thực hiện các bước của Đề án cho đến khi Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 được ban hành.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo 902, giao Sở Nội vụ khẩn trương xây dựng dự thảo Kế hoạch tiếp tục thực hiện việc triển khai Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá, thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hoá và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hoá.

Hội nghị Ban Chỉ đạo nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá - Ảnh 4.

Ông Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn phát biểu thảo luận.

Trong Kế hoạch cần xác định và xây dựng 2 phương án tổ chức thực hiện, gồm: phương án 1 cập nhật nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hoá vào Đề án thành Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá, thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hoá và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hoá. 

Phương án 2 giữ nguyên nhiệm vụ của Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá, thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hoá. Công việc này xong trước ngày 11/5/2023 để xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo 902. 

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về các công việc, nhiệm vụ của Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá trong thời gian tới, cho phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Hội nghị Ban Chỉ đạo nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá - Ảnh 5.

Ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa phát biểu thảo luận.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở liên quan, UBND thành phố Thanh Hoá và huyện Đông Sơn tiếp tục thực hiện, hoàn thành các công việc, nhiệm vụ triển khai Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá với tinh thần chủ động, linh hoạt; những việc đã rõ thì khẩn trương thực hiện; những việc chưa rõ thì tham khảo ý kiến của các bộ, ngành Trung ương để tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ và đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Sở Xây dựng tăng cường đôn đốc, nắm bắt khó khăn trong tiến độ thực hiện việc sáp nhập. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ cần rà soát lại việc thực thi nhiệm vụ một cách chủ động, tích cực, khách quan và chính xác để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình các đề án trong thời gian sớm nhất và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Việc sáp nhập sẽ góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống

“Tôi muốn sống ở đây mãi mãi, lâu đến khi nào có thể”. Có lẽ không chỉ nữ nghệ sĩ Brazil Machini mà còn rất nhiều người trong số gần 16.000 người “xê dịch” đến Đà Nẵng mỗi năm cũng chung dự định: định cư lâu dài tại thành phố, không chỉ bởi thiên nhiên, chất lượng sống mà còn bởi một “vũ khí bí mật” khác mang tên… tình người.