Hội nghị Bộ trưởng APEC thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19
Tại hội nghị, các bộ trưởng của APEC đã vạch ra các biện pháp đặc biệt nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế một cách bền vững sau dịch Covid-19.
Tối 16/11, hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Malaysia, Datuk Seri Mohamed Azmin Ali. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Đây là hoạt động lớn đầu tiên trong tuần lễ cấp cao APEC mà quan trọng nhất là cuộc họp thượng đỉnh nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20/11 tới cũng theo hình thức trực tuyến.
Tại hội nghị, các bộ trưởng của APEC đã vạch ra các biện pháp đặc biệt nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế một cách bền vững sau dịch Covid-19. Cuộc họp là sự tiếp nối những nỗ lực của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây cũng là tầm nhìn đã được thống nhất tại Hội nghị lần thứ 26 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Papua New Guinea hai năm trước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, hệ thống chăm sóc sức khoẻ cũng như kinh tế của khu vực đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn tới hàng triệu doanh nghiệp nhỏ phải chiến đấu để tồn tại và hàng triệu người khác bị mất việc.
Một số nhà phân tích cho rằng, tổng sản phẩm quốc nội của các nền kinh tế APEC năm nay sẽ giảm khoảng 2,7%, tức là hơn 1,8 nghìn tỷ USD, hơn mức sụt giảm năm 2009 giữa cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Các nhà quan sát đánh giá cao các nền kinh tế APEC đã chủ động nhanh chóng để giải quyết vấn đề, đặc biệt là các biện pháp tài chính và tiền tệ đã giúp củng cố hệ thống y tế, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Trong khi đó, vào tháng 7, các bộ trưởng Phụ trách Thương mại của APEC cũng đã nhất trí về Tuyên bố chung về tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển các mặt hàng thiết yếu. Tuyên bố thừa nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo dòng chảy thương mại liên tục trong thời kỳ đại dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy của các mặt hàng thiết yếu như vật tư y tế và thiết bị thiết yếu.
Mai AnhTheo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.