Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu năm 2021" - thúc đẩy hợp tác hậu Covid -19
Ngày 25/11, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu năm 2021: Đối tác Việt Nam – EU hậu Covid-19 và công bố Sách trắng EUROCHAM 2021”.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến do ông Tô Anh Dũng – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Giorgio Aliberti – Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đồng chủ trì.
Cùng tham dự có đại diện Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Đại sứ các nước thành viên EU, ban Lãnh đạo EUROCHAM và các doanh nghiệp, nhà đầu tư châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam.
EU là một trong những đối tác hàng đầu về hợp tác phát triển, là đối tác thương mại lớn thứ 5, nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp và nâng tầm mối quan hệ trong hợp tác kinh tế giữa hai bên. Bất chấp những khó khăn bởi đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tin tưởng rằng Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU khi được thông qua sẽ làm sâu sắc hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế - đầu tư giữa hai bên. Việt Nam mong muốn hợp tác cùng có lợi với các đối tác nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, trong đó EU là một trong những đối tác có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để EuroCham và các thành viên đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu trong khoảng thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19; nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là hai bên phải tập trung vào tương lai của thương mại và đầu tư EU-Việt Nam. Ông cho rằng các nước châu Âu và Việt Nam cần tận dụng tối đa Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu đã tăng 11% trong 12 tháng đầu tiên thực hiện. Ông Alain Cany hy vọng thương mại Việt Nam-EU sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch và hướng tới một tương lai tươi sáng và thịnh vượng hơn.
Cũng tại hội nghị đã diễn ra Lễ công bố Sách trắng thường niên lần thứ 13 của EuroCham và Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác mới giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và EuroCham với sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Việt Nam và đại diện cơ quan ngoại giao châu Âu tại Việt Nam.
Tại các tỉnh phía nam, EU là một trong những đối tác, nhà đầu tư lớn của một số tỉnh thành. Tiêu biểu tại Đồng Nai, EU là nhà đầu tư, đối tác thương mại và cũng là thị trường xuất siêu truyền thống của tỉnh. Cụ thể về đầu tư, tính đến tháng 11/2021, tại Đồng Nai đã có 70 dự án từ các doanh nghiệp thuộc các nước EU, với tổng vốn đăng ký là 2,844 tỷ USD, giữ vị trí cao thứ 5 trong nhóm quốc gia/ vùng lãnh thổ đầu tư vào địa phương. Về thương mại, EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh chỉ sau thị trường Hoa Kỳ. Cán cân thương mại xuất nhập khẩu giữa Đồng Nai và các quốc gia châu Âu nghiêng về xuất siêu, với kim ngạch xuất siêu 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1.471 triệu USD.
Còn tại Bình Dương, với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, trong những năm gần đây Bình Dương luôn là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nhưng trong 11 tháng đầu năm 2021, Bình Dương đã thu hút được 64 dự án đầu tư mới, 24 dự án điều chỉnh tăng vốn và 161 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ đô la Mỹ. Lũy kế đến ngày 15/11/2021, Bình Dương có 4.011 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 37 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài sau TP. Hồ Chí Minh.
Toàn tỉnh hiện có 402 dự án đầu tư từ 24 quốc gia châu Âu với tổng vốn đăng ký hơn 4,59 tỷ đô la Mỹ. Trong đó đứng đầu là British Virgin (Quần đảo thuộc Vương quốc Anh) với 175 dự án và tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ đô la Mỹ; thứ 2 là Hà Lan với 42 dự án, tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ đô la Mỹ; thứ 3 là Luxembourg với 04 dự án, tổng vốn đầu tư 162 triệu đô la Mỹ; thứ 4 là Thụy Sĩ với 19 dự án, tổng vốn đầu tư 125 triệu đô la Mỹ...
Bên cạnh việc chủ động triển khai các hoạt động kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Bình Dương cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương và đối tác nước ngoài. Đến nay, Bình Dương đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 10 địa phương nước ngoài, trong đó có 04 tỉnh, thành phố của các quốc gia châu Âu bao gồm: Vùng Emilia-Romagna (Ý), tỉnh Đông Flanders (Bỉ), TP.Eindhoven và TP.Emmen (Hà Lan).
Đức Duy (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.