Hội nghị sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020
Sáng 8/9, tại Thanh Hóa, Bộ Giao thông vận tải phối hợp các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình và Nghệ An tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá; cùng các đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Lê Đình Thọ, Lê Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Tham dự có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá; đại diện lãnh đạo các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An và cán bộ, kỹ sư, công nhân viên các Ban quản lý dự án (QLDA), tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu thực hiện các dự án thành phần cao tốc đoạn Ninh Bình đến Nghệ An.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 171,85km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1km, Ninh Bình 24,4km, Thanh Hóa 98,8km, Nghệ An 43,5km).
Cụ thể: Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km, tổng mức đầu tư 1.607,4 tỷ đồng do Sở Giao thông vận tải Ninh Bình làm chủ đầu tư; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư; đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43,28km, tổng mức đầu tư 5.534,5 tỷ đồng do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng do Ban QLDA 6 làm chủ đầu tư. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2-2022; Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đưa vào khai thác tháng 4-2023 và 2 đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1-9-2023.
Việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3 - 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ; giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hóa, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.
Trong quá trình thực hiện dự án đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ: Đại dịch COVID-19, khó khăn về vật liệu, biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ... Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các ban, bộ, ngành liên quan cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân khu vực dự án; các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đã không quản ngại khó khăn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp điều kiện thực tế hiện trường, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp", thi công xuyên lễ, xuyên Tết trên công trường, góp phần quan trọng đưa dự án vào khai thác đúng theo kế hoạch.
Dự án đường bộ cao tốc đi qua địa bàn các tỉnh được kết nối với hệ thống giao thông địa phương thông qua các nút giao liên thông. Riêng đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có 7 nút giao liên thông. Để đảm bảo tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư tuyến đường cao tốc, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên nguồn lực, bố trí gần 8.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư một số dự án lớn quy mô từ 4-8 làn xe kết nối các tuyến đường trọng điểm của địa phương với dự án cao tốc thông qua các nút giao.
Để phát huy hiệu quả đầu tư, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm thay mặt các tỉnh có dự án đi qua, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến đường kết nối với nút giao liên thông đường bộ cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải ngày càng tăng cao. Trong đó, đối với tỉnh Thanh Hóa là các đoạn Quốc lộ kết nối với nút giao, như: Quốc lộ 217, Quốc lộ 217B...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại hội nghịCác Ban QLDA tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục công việc còn lại. Các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục rà soát hoàn thiện phương án khai thác, tổ chức giao thông để trong quá trình khai thác đảm bảo an toàn, thông tuyến kịp thời. Trong đó cần có phương án xử lý các tình huống như: ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân...
Triển khai hoàn trả một số đoạn tuyến thuộc đường địa phương được sử dụng để phục vụ trong quá trình thi công đã được Ban QLDA, địa phương, các đơn vị thi công ký cam kết thực hiện ngay từ thời điểm triển khai dự án. Báo cáo Quốc hội, Chính phủ có kế hoạch đầu tư xây dựng hoàn thiện giai đoạn hoàn chỉnh của dự án theo quy hoạch, để nâng cao năng lực khai thác, đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai.
Sau khi lắng nghe đại diện các Ban BQLDA, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu thực hiện dự án cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trân trọng cảm ơn Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự phát triển của ngành giao thông vận tải.
Đồng thời, cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành, phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong thời gian triển khai dự án, lãnh đạo các tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, khơi thông mỏ vật liệu. Bên cạnh đó, các tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, cho đến từng cán bộ thôn xóm, các tổ chức đoàn thể, tôn giáo cùng vào cuộc.
Các thành viên ban giải phóng mặt bằng bám từng hộ dân để thuyết phục, không nề hà đêm ngày. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, có những xã, huyện bàn giao mặt bằng sạch 100% trước khi triển khai thi công. Trân trọng cảm ơn bà con Nhân dân khu vực bị ảnh hưởng đã vì quyền lợi chung, di dời nhà cửa, mồ mả, ruộng vườn... để nhường đất thi công các dự án, chấp nhận nhiều sự thay đổi ở môi trường mới để đổi lấy những con đường lớn thúc đẩy kinh tế địa phương và đất nước.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tin rằng dưới sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo cũng như sự tháo gỡ kịp thời về chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả nước sẽ có 3.000km đường bộ cao tốc; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Nhân dịp này, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tặng hoa chúc mừng các Ban QLDA, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu thực hiện các dự án thành phần cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An.
Yến HoàngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.