Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Dệt may kiến nghị "nới" điều kiện dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất
Kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng được dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết năm 2020 mà không kèm theo điều kiện giảm từ 50% lao động trở lên hoặc chỉ nên giảm từ 20%.
Đề nghị Tổng Liên đoàn miễn đóng đoàn phí cho người lao động đến hết năm 2020 mà không kèm điều kiện.
Gửi kiến nghị tới Chính phủ trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay ngày 9/5, Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, đến nay đã chịu tác động kép bởi dịch COVID-19.
Đó là nguồn cung nguyên, phụ liệu trên 60% nhập từ Trung Quốc trong quý I bị gián đoạn và từ 16/3 đến nay lại đối mặt với cầu sụt giảm nghiêm trọng tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, do các nước này áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch. Hàng loạt các đơn hàng đã bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành tháng 3 giảm sâu (- 27,2%) so với tháng 3 năm 2019. Tính chung 3 tháng 2020 giảm -9,07% so với cùng kỳ 2019. Trong khi lẽ ra ở điều kiện bình thường sẽ tăng khoảng 9 – 10%. Dự báo tháng 4 sẽ có khoảng 30% và tháng 5 khoảng 50% lao động mất việc và thiếu việc làm.
Mặc dù, Chính phủ, các Bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt một mặt để khống chế dịch bệnh, hạn chế lây lan ra cộng đồng, mặt khác đưa ra các gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ để giúp doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp dệt may phản ánh, cũng còn một số nội dung, tiêu chí, điều kiện hưởng chưa phù hợp thực tế, doanh nghiệp khó tiếp cận.
Cụ thể, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Nghị quyết số 42/NQ-CP với nội dung hỗ trợ trong lĩnh vực tiền lương, BHXH, kinh phí công đoàn có nêu: "Người lao động làm việc theo chế độ HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên... thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng".
Cùng với đó, cũng có quy định người lao động ngừng việc thì được người sử dụng lao động trả tối thiểu 50% mức lương tối thiểu vùng và 50% còn lại người sử dụng lao động được vay với lãi suất 0% để trả phần lương còn lại.
Thực tế cả 3 trường hợp trên đều có nguyên nhân chung là do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, cách thức và mức độ hỗ trợ lại khác nhau.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiến nghị, trường hợp lao động ngừng việc cũng được Nhà nước hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng, phần thiếu hụt so với lương tối thiểu vùng doanh nghiệp tự lo hoặc được vay không tính lãi của Ngân hàng CSXH trả cho người lao động.
Đặc biệt, Nghị quyết 42 cũng quy định “Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch...” thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
Tuy nhiên, thực tế, đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, nếu phải giảm 50% lao động thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Ngoài ra, trong điều kiện khó khăn hiện tại các doanh nghiệp sẽ phải tìm mọi cách giữ chân người lao động như bố trí giờ làm việc linh hoạt, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm thay vì sa thải, cho lao động nghỉ việc.
“Quy định phải giảm từ 50% lao động vô tình "khuyến khích" doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc, tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương để đạt được tỷ lệ này. Phản ánh của doanh nghiệp cho thấy sẽ ít có doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ với điều kiện như vậy”, Hiệp hội Dệt may đánh giá.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng được dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết năm 2020 mà không kèm theo điều kiện giảm từ 50% lao động trở lên hoặc chỉ nên giảm từ 20%.
Đối với kinh phí công đoàn, đề nghị cũng không áp dụng điều kiện doanh nghiệp phải giảm từ 50% lao động trở lên. Ngoài ra, đề nghị Tổng Liên đoàn miễn đóng đoàn phí cho người lao động đến hết năm 2020 mà không kèm điều kiện.
Đồng thời kiến nghị, Nhà nước mở rộng đối tượng cho người sử dụng lao động vay vốn lãi suất 0% để trả tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc cho người lao động, không để vì doanh nghiệp gặp khó khăn mà lao động không nhận được kịp thời các khoản trợ cấp này. a
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.