Hội nghị thường niên FAEA-45: Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19
Trong 2 ngày 25-26/11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (VEA), Liên đoàn các Hội Kinh tế Đông Nam Á (FAEA), tổ chức Hội nghị thường niên FAEA-45 với chủ đề "Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có những biến động lớn".
Tại Hội nghị, GS. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, Liên đoàn FAEA có 7 nước tham gia chính thức là Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapo, Thai Lan và Việt Nam và 4 nước khác là khách mời (Brunei, Lào, Myanma và Đông Timo).
Theo GS Nguyễn Quang Thái, đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ hoạt động kinh tế trên quy mô toàn cầu, vừa mới có dấu hiệu kết thúc thì những xung đột chính trị căng thẳng ở một số khu vực lại đang làm cho thế giới có nguy cơ lâm vào những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về an ninh chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát và suy thoái kinh tế. Các nước ASEAN và Cộng đồng ASEAN cần có những chiến lược và chính sách mới thích hợp.
"Liên đoàn FAEA đồng thuận tổ chức Hội nghị thường niên FAEA-45 tại Hà Nội với chủ đề "Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có những biến động lớn". Hội thảo sẽ là sự kiện đối ngoại nhân dân quan trọng góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới. Đây được đánh giá là chủ đề có tính thời sự, hứa hẹn sẽ đưa ra được các luận giải hay và kiến nghị tốt cho nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu các nước trong vùng", GS Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh.
Trong hai ngày, Hội nghị quốc tế FAEA với nội dung "Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có những biến động lớn" sẽ thu hút ý kiến tham luận của các chuyên gia kinh tế đến từ Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Các chuyên gia sẽ tọa đàm 14 chủ đề khác nhau ở các nhóm: Tình hình an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; Mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người dưới ảnh hưởng của đại dịch; An ninh và chuyển đổi cơ cấu năng lượng, giao thông vận tải và hậu cần, du lịch; Tài chính, tiền tệ, lạm phát, chứng khoán.
Mai PhươngBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.