Hội nghị tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử

Chính trị - xã hội
11:48 AM 10/05/2021

Việc tiếp xúc cử tri trong quá trình vận động bầu cử là nhằm tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử để từ đó cân nhắc, lựa chọn bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).

Hội nghị tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ứng cử viên ĐBQH khóa XV Đơn vị bầu cử số 3 TP. Hải Phòng tại hội nghị tiếp xúc cử tri. (Hình minh họa. Ảnh: TTXVN).

Hội nghị tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử do ai tổ chức?

Theo Điều 64, Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) quy định: “Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ”. Như vậy, những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ có hơn 3 tuần vận động bầu cử.

Bên cạnh đó, theo Điều 65 và Điều 66, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, quy định hai hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử đó là gặp gỡ trực tiếp cử tri và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, việc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với cử tri được đánh giá là việc làm cần thiết nhất khi tại các hội nghị tiếp xúc cử tri những ứng viên có thể nhận được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của các cử tri tại địa phương.

Tại Điều 66 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định về cách thức tổ chức vận động bầu cử với cử tri nơi ứng cử. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ) cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với UBND cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.

UBND nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.

Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm những nội dung gì?

Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri bao gồm những nội dung sau:

- Tuyên bố lý do;

- Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử;

- Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND;

- Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;

- Người chủ trì hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị.

Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương mình gửi đến Ủy ban Bầu cử cùng cấp và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.

(Nguồn: Theo tài liệu của Hội đồng Bầu cử quốc gia và Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng nhân dân)

P. Thủy (TH)
Ý kiến của bạn