Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022

Xã hội
03:58 PM 25/04/2022

Sáng 25/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước với hơn 19.000 đại biểu tham dự.

Dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 cũng như thiếu thốn về nguồn lực, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo, lãnh đạo Ban chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 đã đạt được những kết quả toàn diện. 

Đây là năm đạt kỷ lục về việc giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, thiệt hại về người và tài sản thấp nhất từ trước đến nay. Trong năm, đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở nguy hiểm. Thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).

Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc về công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Năm 2021, mặc dù phải tập trung nguồn lực cho chống dịch, ngân sách khó khăn, nhưng Chính phủ đã hỗ trợ 1.754 tỷ đồng cho các tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, còn hỗ trợ 3.738 tấn gạo cứu đói do thiên tai, 765 tấn giống cây trồng và các loại vắc xin, hóa chất... để hỗ trợ kịp thời nhân dân các khu vực bị thiệt hại do thiên tai. Theo thống kê chưa đầy đủ, các địa phương đã ưu tiên, sử dụng các nguồn lực từ Quỹ phòng chống thiên tai (PCTT), ngân sách địa phương cho các hoạt động PCTT với tổng kinh phí trên 2.317 tỷ đồng, trong đó từ Quỹ PCTT 823 tỷ đồng và từ ngân sách địa phương khoảng 1.494 tỷ đồng. 

Tính từ 01/01/2021 đến nay, cả nước đã điều động 83.106 lượt người và 6.978 lượt phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn 2.593 vụ, cứu được 2.968 người và 397 phương tiện. Riêng Quân đội điều động 44.999 lượt người (chiếm 60%) và 4.522 lượt phương tiện tham gia TKCN 1.322 vụ (chiếm 54%) cứu được 1.465 người và 303 phương tiện (76%), di dời 7.948 hộ dân đến nơi an toàn, khắc phục 1.643 nhà dân, dập cháy 673 nhà và 1.220 ha rừng, kêu gọi thông báo cho 453.847 phương tiện/2.108.127 người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời di chuyển, tránh trú đến nơi an toàn. 

Riêng tại tỉnh Nghệ An, năm 2021 là một năm thiên tai diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại. Trong năm đã xảy ra 18 đợt không khí lạnh; 7 đợt nắng nóng; 31 đợt lốc, sét, mưa đá và mưa lớn; 12 đợt mưa lớn diện rộng; chịu ảnh hưởng lớn của cơn bão số 2, cơn bão số 6, cơn bão số 8. Thiên tai đã tác động lớn đến dân sinh, kinh tế xã hội; ảnh hưởng lớn đến người dân, sản xuất nông lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề. Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 698,966 tỷ đồng.

Nghệ An: Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 - Ảnh 1.

Đầu cầu tại Nghệ An

Cũng theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Ngoài ra, theo nhận định của Tổ chức khí tượng thế giới, năm 2022 các cơn bão sẽ mạnh hơn, thời gian bão kéo dài, gây mưa nhiều hơn khi đổ bộ và các tháng mùa Đông sẽ tương đối nóng. Đặc biệt, thời tiết dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới cũng được dự báo rất phức tạp.

Nhanh chóng ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác PCTT&TKCN nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người dân và cộng đồng; xác định công tác PCTT&TKCN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời, tiếp tục rà soát bổ sung bảo đảm đồng bộ, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ PCTT&TKCN; chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó thiên tai từ Trung ương đến cơ sở...

Đại diện các Bộ, ngành đã tập trung thảo luận các nội dung gồm: Diễn biến khí tượng, khí hậu, thời tiết năm 2022; công tác đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra thiên tai; công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn hạ du tại khu vực miền Trung; công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong thiên tai; việc phối hợp ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

UBND các tỉnh: Hà Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với rét hại, băng giá và công tác xây dựng văn phòng thường trực chuyên trách; công tác quản lý đê điều phòng, chống lũ và xây dựng tuyến đê kiểu mẫu; phòng, chống thiên tai và triển khai Bộ chỉ số cấp tỉnh; bài học kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở an toàn vùng thiên tai.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai; với phương châm "phòng là chính, từ sớm, từ xa", triển khai ngay công tác kiểm tra phương tiện, phương án phòng, chống thiên tai trên toàn quốc. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, huy động hiệu quả lực lượng phối hợp, phát huy vai trò chủ động của các địa phương, khi có thiên tai xảy ra cần xử lý, phản ứng nhanh chóng, triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn...

Củng cố lực lượng phòng chống thiên tai tại cơ sở theo phương châm "4 tại chỗ", xây dựng lực lượng chuyên nghiệp hơn. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tập trung tuyên truyền các kỹ năng ứng phó cho người dân. Quan tâm đầu tư cho phòng, chống thiên tai vì đây là đầu tư cho phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn lực, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai; rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật, xây dựng khung chính sách cho người dân, doanh nghiệp tại các khu vực nguy cơ rủi ro thiên tai cao.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn