Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII: Quyết định nhiều vấn đề rất cơ bản và hệ trọng
Diễn ra từ ngày 5 - 9/7, Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII xem xét, quyết định nhiều vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Phát biểu phiên khai mạc Hội nghị sáng 5/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị có nhiệm vụ thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025; xem xét, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ khóa XIII; Quy định thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khóa XIII; tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và một số vấn đề quan trọng khác.
Từ nội dung nên trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để các đồng chí Trung ương quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.
Nhấn mạnh, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này bao gồm nhiều vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong nhiệm kỳ khóa XIII, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII xem xét về nội dung xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
Đề cập nội dung này trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trên cơ sở Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện và kế thừa Quy chế làm việc của khoá XII, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII và Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá này cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đổi mới, cải tiến chế độ, lề lối làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ và phù hợp; tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót việc.
"Đây là những cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng, tăng cường sức mạnh, kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Cho biết, Tờ trình của Bộ Chính trị đã nêu rõ các nội dung cần thảo luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến và góp ý trực tiếp vào dự thảo các quy chế, nhất là những nội dung cần bổ sung, sửa đổi. Ví dụ các nội dung về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Thường trực Ban Bí thư; chế độ sơ kết, tổng kết, chế độ đi công tác cơ sở, phương pháp, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác...
Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII xem xét, quyết định về nhân sự các chức danh lãnh đạo
Việc giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Hội nghị Trung ương 3 lần này xem xét, quyết định.
Theo gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là công việc rất hệ trọng. Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII (tháng 3/2021), Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao là cần sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước.
Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (tháng 3-4/2021), Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và bầu hoặc phê chuẩn đối với 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước.
Đến nay, sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị và tiếp tục giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa XV bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất sắp tới theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao thì Ban Chấp hành Trung ương không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại.
Đối với 23 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Lưu Đoàn (t/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.